Tín dụng chính sách - “phao" hồi sinh doanh nghiệp giữa đại dịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai tích cực công tác cho vay từ nguồn vốn cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã giúp hàng loạt DN trên địa bàn hồi sinh tích cực.

Sản xuất quay trở lại quỹ đạo mới

Để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP. Theo đó, có 3 nhóm nguồn chính sách gồm nhóm từ nguồn quỹ bảo hiểm; nhóm từ nguồn vốn cho vay thông qua các ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương và nhóm chính sách trợ cấp tiền mặt bằng ngân sách.

Phía Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã tích cực, khẩn trương triển khai ngay Nghị quyết này. Dòng vốn ưu đãi đến kịp thời đã giúp DN tích cực hồi phục sản xuất, kinh doanh, giữ chân được người lao động trong lúc khó khăn.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH giầy Hồng Phúc.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH giầy Hồng Phúc.

Ông Phùng Mạnh Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH giầy Hồng Phúc (Hà Đông) chia sẻ: Công ty có hơn 200 lao động, chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu đi Mỹ và các nước Trung Đông. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn khi hàng hóa xuất khẩu đình trệ.

Đặc biệt, trong năm 2021, công ty phải tạm dừng sản xuất 2 tháng do không đảm bảo các yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Thời điểm đó, việc trả lương để giữ chân lao động là bài toán khó với công ty.

Chính vì vậy, khi được cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hà Nội chủ động đến tận nơi tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ, xét thấy đơn vị mình đủ điều kiện vay vốn, DN đã làm hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được tiếp cận nguồn vốn.

“Chúng tôi đã được vay số vốn hơn 3 tỷ đồng trả lương ngừng việc cho lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Thủ tục vay vốn rất đơn giản, thuận lợi, nhanh chóng, qua đó giúp công ty vượt qua những khó khăn để ổn định sản xuất. Thời điểm này, công ty đã đi vào hoạt động trở lại bình thường. Các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết phải làm hết tháng 5 mới hoàn thành, vì vậy tôi đang có kế hoạch tuyển thêm công nhân để đáp ứng yêu cầu công việc mới” - ông Phùng Mạnh Tuyên chia sẻ.

Không giấu được niềm vui trước thông tin Công ty ký hợp đồng tín dụng vay vốn và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân món vay để trả lương ngừng việc cho người lao động, chị Nhữ Thị Hương, công nhân Công ty TNHH giầy Hồng Phúc cho biết: “Nguồn vốn này giúp người lao động chúng tôi có thu nhập để đảm bảo cuộc sống tối thiểu trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra vừa qua, lĩnh vực giáo dục cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do việc giãn cách xã hội đã khiến cho trẻ em không thể đến trường để học tập trực tiếp.

Ông Nguyễn Minh Hiệu - Phó Giám đốc điều hành Công ty Teky Holdings chia sẻ: Năm 2020 - 2021, khi học sinh không thể đến trực tiếp các lớp học do dich Covid-19, Teky đã khẩn trương thay đổi phương thức đào tạo, từ đào tạo trực tiếp sang xây dựng các chương trình đào tạo trực tuyến; với việc sử dụng nhiều phần mềm để phục vụ cho công việc cũng như các lớp học. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho việc sử dụng phần mềm trực tuyến, nghiên cứu, xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo không hề nhỏ. Bên cạnh đó, còn có chi phí thuê mặt bằng các cơ sở vẫn cần duy trì; chi phí nhân sự, tiền lương để đảm bảo các quyền lợi về lương, phúc lợi cho các cán bộ… Vì vậy, thời điểm năm 2021, làm thế nào để cân đối đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu nêu trên là một bài toán khó, đặt ra đối với đội ngũ ban lãnh đạo công ty.

 

Chúng tôi mong muốn Chính phủ có thể kéo dài thời hạn của gói vay ưu đãi lãi suất 0% lên 24 - 36 tháng, thay vì 11 tháng như hiện tại và tăng giá trị tối đa của gói vay thay vì chỉ hỗ trợ vay vốn 0% để trả lương, có thể tính toán các phương án vay vốn để phục vụ sản xuất chương trình; phục hồi kinh doanh…  để có thể tiếp tục hỗ trợ các DN nhanh chóng phục hồi hoạt động - ông Nguyễn Minh Hiệu - Phó Giám đốc điều hành Công ty Teky Holdings.

“Rất may mắn trong thời điểm đó, Teky đã được tiếp cận gói vay ưu đãi với lãi suất 0% trong 11 tháng, công ty đã có thêm động lực để nhanh chóng phục hồi các hoạt động giảng dạy. Từ đó, công ty cũng đảm bảo cho các cán bộ, nhân viên được thanh toán lương đúng hạn; các khoản thưởng, phúc lợi; chế độ bảo hiểm của người lao động được đảm bảo và không bị rơi vào tình trạng chậm trễ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cán bộ, nhân viên công ty có thể yên tâm công tác và đóng góp tiếp tục phát triển, tạo ra những chương trình giáo dục thực sự chất lượng và phù hợp với tình hình thực tế” - ông Nguyễn Minh Hiệu bày tỏ.

Đại diện Teky holdings cũng cho biết, trong năm 2022, bên cạnh việc mở cửa trở lại các cơ sở đào tạo, đơn vị này cũng có tham vọng rất lớn về việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo trực tuyến, cung cấp cho các bạn học sinh toàn quốc cơ hội để tiếp cận và học tập các chương trình công nghệ, lập trình máy tính một cách dễ dàng, hiệu quả. Qua đó, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ đối với ngân hàng cũng như duy trì tốt chế độ lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên.

Nhân viên làm việc tại công ty Teky Holdings.
Nhân viên làm việc tại công ty Teky Holdings.

Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Hà Đông Phạm Thị Liên, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với phòng Lao động TB&XH quận tham mưu cho UBND quận các nội dung triển khai; phối hợp với Bảo hiểm xã hội quận để nắm danh sách người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm trên địa bàn để rà soát  hơn 100 đơn vị DN - người sử dụng lao động về nhu cầu vay vốn.

Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH quận Hà Đông đã thực hiện giải ngân được cho 11 DN - người sử dụng lao động với 43  lượt vay  số tiền 21.616 đồng để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất cho 5.050 lượt lao động/ 1.821 người lao động. Được hỗ trợ vay vốn theo chương trình đã giúp DN phục hồi, ổn định lại sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Việc triển khai chính sách tín dụng trả lương ngừng việc cho người lao động đã và đang được triển khai trên địa bàn TP. Các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH đã khẩn trương hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, rà soát, thẩm định ký hợp đồng tín dụng, giúp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH TP Hà Nội trong năm 2021 đạt 5.045 tỷ đồng, với 117.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua 16 chương trình tín dụng. Trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 3.946 tỷ đồng cho trên 79.000 lượt khách hàng được vay vốn, giải quyết việc làm cho trên 87.000 lao động, góp phần hoàn thành 54,4% kế hoạch tạo việc làm của TP trong năm 2021 (160.000 lao động).

Điểm nổi bật của chương trình này là bên cạnh nguồn vốn được bổ sung từ Trung ương, TP Hà Nội và UBND cấp huyện đã chuyển 1.247 tỷ đồng qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay; riêng UBND TP Hà Nội đã chuyển bổ sung 1.050 tỷ đồng trong đó dành riêng 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH để tập trung ưu tiên cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Chi nhánh đã kịp thời giải ngân được 162 tỷ đồng cho 157 lượt người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 38.020 lượt người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ. Mặc dù đây là chương trình tín dụng mới và quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song Chi nhánh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, sơ quan, tổ chức liên quan tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp người sử dụng lao động trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết,  chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã góp phần giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh dự báo năm 2022 tình hình dịch bệnh tiếp tục vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm, sinh kế của người dân, Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả gói tín dụng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.

Đồng thời, tiếp tục triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.