Đó là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo "Ngân hàng và doanh nghiệp - giải pháp dòng tiền" diễn ra ngày 20/5 tại Hà Nội.
Tín dụng vẫn tăng
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện, tình hình tồn kho của DN đã có cải thiện nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do DN vẫn phải phụ thuộc vào các dòng tiền bên ngoài và khả năng trả nợ hiện vẫn hết sức khó khăn. Nhiều DN phải ngừng hoạt động vì thiếu vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, kết quả điều hành kinh tế những tháng đầu năm 2013 vẫn có những dấu hiệu theo hướng tích cực. Lạm phát giảm xuống mức thấp, kéo theo sự đi xuống của lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau thời gian dài tín dụng tăng trưởng âm, từ tháng 3/2012 đến nay, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc hình thành đường cong lãi suất thời gian gần đây và sức lan tỏa của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ là những cộng hưởng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Từ những phân tích này, ông Mạnh cũng cho rằng, mục tiêu tăng cung tín dụng 12% trong năm 2013 là hoàn toàn khả thi.
Cùng quan điểm, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank nhận định, không nên quá lo lắng vì việc dư nợ tín dụng giảm trong quý I/2013 chỉ mang tính thời vụ. Đặc thù của Việt Nam là sau Tết, thường các DN chưa bắt tay vào sản xuất ngay. Thực tế là đầu quý II, tín dụng đã tăng đáng kể. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng cả năm 12% là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng tăng được. Ví dụ, tín dụng bất động sản, và các ngành nghề liên quan đến chuỗi giá trị bất động sản như thép, vật liệu xây dựng… sẽ vẫn rất khó tăng. Nhưng ngược lại, những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ… có khả năng tăng vượt 12%.
Thay đổi cơ chế lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Trong ảnh: Sản phẩm ống thép của Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Trần Việt
Có nên áp trần lãi suất cho vay?
Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng nên áp trần lãi suất cho vay. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ chế điều hành với trần lãi suất huy động (hiện nay 7,5%/năm), trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng đang đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, đẩy rủi ro cho người dân và DN. "Hiệu ứng tiêu cực của cơ chế điều hành lãi suất làm suy yếu động cơ gửi tiền của người dân, hạn chế nỗ lực chống lạm phát, làm chậm quá trình tiếp cận vốn giá rẻ của DN, suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng" - ông Thiên nói.
Để khơi thông được dòng vốn, hàng tồn kho hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo sự công bằng giữa người dân, ngân hàng và DN, ông Thiên cho rằng, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất cho vay, thay cho trần lãi suất huy động. Và khi đó, DN mới tiếp cận được vốn, được tháo gỡ khó khăn, dần dần tháo gỡ trần lãi suất và trả lãi suất lại cho thị trường.
Về phía ngân hàng, đại diện Seabank lại cho rằng, trong điều kiện cần thiết, có thể áp trần lãi suất. Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất cho vay nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại. "Nếu áp trần cho vay, sẽ có nhiều sản phẩm tín dụng mà ngân hàng không thể triển khai. Ví dụ, với lãi suất thẻ tín dụng, tài khoản ra vào liên tục, nếu áp lãi dưới 10%, tôi nghĩ, ngân hàng sẽ rất khó triển khai. Cơ hội vay vốn của nhiều đối tượng vì thế cũng tuột mất" - Tổng Giám đốc SeABank Đặng Bảo Khánh nói. Theo ông Khánh, về lâu dài, phải bỏ các biện pháp hành chính và để lãi suất vận động theo cơ chế thị trường.
Hiện, NHNN đang áp trần lãi suất 10% với 5 lĩnh vực ưu tiên. Phía NHNN cho biết, cơ quan này đang tiến tới bỏ trần lãi suất, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại để ổn định kinh tế vĩ mô thì vẫn cần tới công cụ này.