Tín dụng cuối năm: Vốn vào sản xuất nhỏ giọt, cửa hẹp cho bất động sản

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi được NHNN nới hạn mức (room) tín dụng, việc giải ngân tại một số ngân hàng vẫn rất khó khăn do tỷ lệ được phân bổ quá ít. Đặc biệt với lĩnh vực bất động sản càng không dễ tiếp cận vốn vay như kỳ vọng.

Không ưu tiên cho bất động sản

Chỉ 15 trên hơn 35 ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh hoặc đi đầu trong việc thực hiện các quyết sách Chính phủ được cấp thêm room. Trong đó, Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2% SHB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%…

Ngân hàng giải ngân cho vay rất chọn lọc. Ảnh minh hoạ
Ngân hàng giải ngân cho vay rất chọn lọc. Ảnh minh hoạ

Một số ngân hàng được tăng thêm hạn mức tín dụng đã ngay lập tức lên kế hoạch tập trung vốn phân bổ những lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.

Tại Vietcombank, ngân hàng được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15% (tương đương có thêm hạn mức khoảng 32.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế). Như vậy, hạn mức tín dụng mới của cả năm ngân hàng này là 17,7%. Hết tháng 8/2022, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay, ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp.

Sacombank - một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân được nới room ở mức cao nhất, tới 4% và nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11% - cho hay, từ nay đến cuối năm, Sacombank còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế. Và room tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Còn với bất động sản (BĐS), việc cho vay tiếp tục hạn chế, hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Đại diện MBBank cho hay, với việc được nới room thêm 3,2%, tương đương tăng thêm 12.000 tỷ đồng, định hướng trong vòng 1 tháng tới số vốn này sẽ được MB phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây là lĩnh vực có nhu cầu vốn rất lớn trong thời gian qua.

Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, nguồn vốn cho vay sẽ được dồn vào các ngành sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... Với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán và kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục hạn chế, hoặc chỉ ưu tiên thực hiện những hợp đồng cam kết cấp tín dụng từ trước.

Anh Mạnh Hùng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết có nhu cầu mua căn nhà khoảng 2,5 tỷ đồng để ở. Vợ chồng anh Hùng có sẵn 1,5 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng 1 tỷ đồng. Đến nay khi có thông tin nới room tín dụng cho một số ngân hàng, nhưng anh vẫn bị từ chối cho vay vì các ngân hàng đưa ra nhiều lý do như: Chứng minh thu nhập không đảm bảo, ngân hàng vẫn bị kiểm soát giải ngân…

Chủ một nhà thầu xây dựng chuyên về kết cấu thép có trụ sở ở TP Hà Nội, cũng cho biết đã gõ cửa 3 ngân hàng nhưng đều nhận được câu trả lời là hết room tín dụng. Hơn 20 năm có giao dịch với ngân hàng nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng này.

Ông Phan Công Chánh - CEO Phú Vinh Group, cũng cho rằng dư địa cho vay trong những tháng còn lại của năm không lớn nên BĐS khó có cơ hội ''lách qua khe cửa hẹp'' để tiếp cận vốn vay như trước đây.

Doanh nghiệp sản xuất vẫn khát vốn

Không chỉ BĐS, việc NHNN điều chỉnh room tín dụng dè dặt, được coi “như muối bỏ bể” so với cơn khát vốn của DN hiện nay bởi thực tế cho thấy nhu cầu vay vốn của cá nhân, DN là rất cao.

Giám đốc tài chính của một công ty chuyên xuất nhập khẩu nhựa ở TP Hà Nội, cho biết đã được giải ngân 5 tỷ đồng sau 2 tháng mòn mỏi chờ đợi. Tuy nhiên, số vốn được giải ngân mới chỉ đáp ứng một nửa khoản vay trong hợp đồng. Mặt khác, lãi vay tăng lên 9,2%/năm, cao hơn 0,7% so với hồi đầu năm. Với lĩnh vực du lịch, các DN cho biết vốn tín dụng rất không dễ tiếp cận, do đặc thù DN du lịch không có tài sản thế chấp hoặc đã thế chấp hết cho những khoản vay cũ.

Dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế do NHNN vẫn kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của hệ thống quanh mức 14%. Việc cấp thêm room tín dụng từ gần 1% đến 4% so với trần tín dụng cũ tuỳ từng ngân hàng. Như vậy, dư địa cho vay mới của các nhà băng được cấp thêm dao động vài nghìn tỷ đến tối đa 50.000 tỷ đồng (tùy từng nhà băng) trong 4 tháng còn lại của năm. Với dư địa cho vay khiêm tốn này, giới ngân hàng cho biết phải rất co kéo, giải ngân có chọn lọc và khả năng giải ngân hồ sơ mới là không cao.

Ở nhóm ngân hàng không được nới trần tín dụng lần này, dư địa cho vay càng khó hơn. Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ cho biết ngân hàng ông không thuộc tốp 15 được nới room. Tình thế này khiến chi nhánh phải điều chỉnh danh mục cho vay hiện tại, tăng cường thu hồi nợ quá hạn và giảm dư nợ với một số khách DN lớn lãi suất thấp để chuyển sang cho vay cá nhân có mức lãi suất cao hơn.

Nhìn nhận diễn biến này, các chuyên gia cho rằng room tín dụng mở lại tương đối ít, và dự kiến cũng hết sớm trong thời gian ngắn 8 - 12 tuần nên chỉ mang tính tượng trưng.

Giải thích về việc áp dụng room tín dụng, NHNN cho biết là để góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% và kiểm soát lạm phát 4% của Quốc hội.

Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực lại cho rằng Việt Nam không cần quá lo lắng với vấn đề lạm phát, kể cả khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức 15 - 16%. Lý do theo ông Lực là lạm phát ở nước ta chủ yếu do nguyên nhân chi phí đẩy. Vì thế, việc tăng cung tiền thông qua tăng tín dụng 1 - 2% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành để kiểm soát giá cả. Các ngân hàng cũng phải chủ động đảm bảo lượng vốn dồi dào, tránh cuộc đua tăng lãi suất huy động khiến chính sách phản tác dụng.

Một số ý kiến khác lại cho rằng ngân hàng cần phải đảm bảo nhu cầu vốn chính đáng cho nền kinh tế. Về lâu dài, cần bỏ hạn mức tín dụng trong trường hợp cân đối được thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa vốn cho vay ngắn hạn với trung và dài hạn, điều hòa vốn cho nền kinh tế.