Tín dụng đen bủa vây công nhân lao động dịp cuối năm

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm là thời điểm tội phạm gia tăng hoạt động, đặc biệt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế và đời sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn.

Lợi dụng điều này, tín dụng đen với nhiều chiêu trò thủ đoạn, trong đó có những app công nghệ trên điện thoại di động bủa vây công nhân lao động, gây ra những hệ lụy khó lường dịp cuối năm.
Nở rộ các chiêu trò cho vay lãi nặng

Thời gian qua, tại các tỉnh, TP từng xảy ra nhiều trường hợp “con nợ” bị các đối tượng cho vay khủng bố, đe dọa tinh thần, sức khỏe như: Tạt sơn, mắm tôm, cố ý gây thương tích và dọa “xử” theo kiểu xã hội đen gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Mạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do nhu cầu mua sắm cá nhân dịp cuối năm, cậu em trai làm công nhân cho một nhà máy tại Hà Nội đã vay qua app 10 triệu đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lãi “phù phép” đến thời điểm này lên đến cả trăm triệu đồng. Do chưa có khả năng trả nợ, em trai và người thân, bạn bè bị khủng bố qua điện thoại, mạng xã hội. Thậm chí, cả gia đình còn bị phía app cho vay đe dọa nếu không sớm trả nợ khiến mọi người phải sống những ngày trong sợ hãi.

Gần đây, gia đình ông Tạ Xuân T. (trú tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) liên tục bị những đối tượng cho vay tín dụng đen khủng bố tinh thần. Sự việc đã được chị Tạ Thị Như Q. (con ông T.) trình báo chính quyền địa phương nhưng các đối tượng vẫn không chịu buông tha. Theo chia sẻ của chị Q, em ruột tên Tạ Quốc C. (SN 1993) vay mượn tiền của bọn cho vay nặng lãi với lãi suất “khủng”. Do không có khả năng trả nợ, C. đã bỏ trốn khỏi nhà. Không tìm được C., các đối tượng dán ảnh C., khóa cửa, tạt sơn, ném mắm tôm vào nhà và liên tục gọi điện chửi bới khiến cha mẹ ruột của Q. phải nhập viện cấp cứu. Điển hình, ngày 13/12, xuất hiện hai đối tượng xăm trổ đầy mình đến chửi bới, tạt sơn vào nhà, liên tục quấy rối, đe dọa “xử” tại nhà riêng nhằm mục đích buộc gia đình phải thay C. trả số nợ còn lại.

Trong chương trình do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam chia sẻ trường hợp của chị N.N.H. (22 tuổi, công nhân của doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Biên Hòa). Cần tiền, chị H. đã vay nóng 45 triệu đồng của một đối tượng. Do không có khả năng chi trả, chị H. lâm vào thế đường cùng và phải dùng cái chết để "xóa nợ". Thế nhưng, các đối tượng cho vay vẫn không buông tha cho gia đình chị H. Bà Tr.Th.N.B. là mẹ của chị H. phải nhờ đến công an vào cuộc thì mới không bị làm phiền.

Theo Đại tá Trần Tuấn Triệu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, hoạt động tín dụng đen xâm nhập vào các tầng lớp lao động, nhất là tại các khu công nghiệp. Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của công nhân, các đối tượng cho vay không cần thế chấp với thủ tục đơn giản. Do thiếu hiểu biết nên rất nhiều công nhân không lường được mức độ "bóc lột" của tín dụng đen. Khi công nhân không có khả năng chi trả, các đối tượng sẽ gọi cho người thân đe dọa, gây áp lực buộc phải trả tiền. Các công nhân còn bị các đối tượng cho vay hành hung, gây thương tích, ném đồ bẩn vào nhà, bêu xấu trên mạng xã hội…

Xử lý nghiêm hành vi đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Có thể nói rằng chưa bao giờ tín dụng đen lại nở rộ như thời điểm này và gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội, bởi vậy, theo các chuyên gia pháp luật, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, tìm các giải pháp để giải quyết vấn nạn tín dụng đen, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi cho những người dân nghèo, những người lao động.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Cùng với hoạt động cho vay tín dụng đen kiểu truyền thống trực tiếp, hoạt động cho vay thông qua các app trên điện thoại, máy tính đang phát triển rất nhanh chóng. Đặc điểm của thời đại công nghệ 4.0 là nhiều người dùng điện thoại thông minh, việc tiếp cận với các dịch vụ cho vay qua app rất dễ dàng. Nhiều người chủ quan cho rằng không thể vay mượn số tiền ở đâu nhanh như qua các ứng dụng công nghệ, thời gian vay ngắn và khả năng trả nợ tốt, chấp nhận mức lãi suất cao một chút nhưng được việc nên đã tặc lưỡi vay mượn. Tuy nhiên, khi đã vay tiền, các đối tượng tính lãi mẹ đẻ lãi con, do nguyên nhân khách quan nào đó không trả được tiền luôn, những người vay nợ sẽ bị chúng khủng bố bằng rất nhiều thủ đoạn tàn nhẫn.
 Hoạt động tín dụng đen thời gian qua gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Phạm Hùng
Rất nhiều đối tượng cho vay tín chấp thông qua các phương tiện điện tử có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên việc phát hiện, xử lý các đối tượng trong thời gian qua chưa nhiều, chưa hiệu quả dẫn đến việc hoạt động tín dụng đen trên mạng xã hội phát triển nhanh chóng gây khủng hoảng, hoang mang với nhiều người, đặc biệt là với nhiều người lao động. Dịp cuối năm, tình trạng thất nghiệp do bệnh dịch khiến nhiều người có nhu cầu vay tín chấp và các hoạt động này lại phát triển mạnh mẽ hơn, việc đòi tiền cũng ráo riết hơn.

Để giảm thiểu tình trạng tín dụng đen hoành hành, phải thực hiện đồng thời cả hai giải pháp là đáp ứng nhu cầu vay tín chấp của người dân thông qua tăng cường chức năng, vai trò của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân được biết hậu quả của tín dụng đen và xử lý nghiêm minh các đối tượng cho vay nặng lãi bằng các chế tài hình sự. “Trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng lớn, nếu các quỹ tín dụng, ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu này sẽ dẫn đến tạo ra miếng đất màu mỡ cho hoạt động tín dụng đen, gây nhiễu loạn xã hội nên nhà nước và các tổ chức tín dụng cần phải có những nguồn kinh phí, chính sách và thủ tục đơn giản để người dân dễ dàng tiếp cận những khoản vốn vay. Có thể đa dạng hóa các hoạt động tín dụng, áp dụng triệt để các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sao cho việc vay tiêu dùng trở nên đa dạng, linh hoạt, đảm bảo công bằng cho cả bên đi vay và cho vay, giảm thiểu rủi ro cho các bên” - luật sư Đặng Văn Cường đề xuất.

Theo các chuyên gia pháp luật, các cơ quan chức năng phải tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là những người lao động biết các hệ lụy của tín dụng đen, cách tính lãi suất để mọi người xác định được mức lãi suất như thế nào là nặng lãi. Tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng cho những người đi vay tín chấp trong trường hợp bị các đối tượng cho vay lãi nặng thì cần phải trình báo cho cơ quan chức năng. Trường hợp các đối tượng đe dọa uy hiếp khủng bố cần phải lưu lại chứng cứ để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc xử lý. Ngoài ra, các đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao cần phải lập các chuyên án để triệt phá các băng nhóm đối tượng cho vay thông qua các app để chúng không có cơ hội tiếp cận với những người lao động nghèo, người khó khăn để tìm cách bóc lột họ một cách tàn nhẫn. Cùng đó, phải xử lý nghiêm những hành vi đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần đe dọa đến những người xung quanh gây bức xúc dư luận như những vụ việc thời gian qua.

"Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20% một năm. Bộ luật Hình sự quy định tại Điều 201 là mức lãi suất vượt quá 5 lần mệnh mức lãi suất nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự." - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần