Tín dụng đen giăng lưới doanh nghiệp

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian bị trấn áp mạnh, hoạt động “tín dụng đen” không còn lộ liễu lộng hành. Nhưng, ẩn mình trong bóng tối, hoạt động tài chính nguy hại này vẫn đang bủa lưới, làm khốn đốn những DN khát vốn.

Cuối tháng 1/2019, sau một thời gian dài xác lập chuyên án đấu tranh, Công an TP Hà Nội đã triệt xóa ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” núp bóng DN có quy mô lớn. Giai đoạn đầu của chuyên án, cơ quan công an bắt giữ đối tượng cầm đầu là Triệu Đình Hoan (SN 1979, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) cùng 10 đồng phạm.
Quỷ quyệt
Năm 2010, các đối tượng thành lập Công ty CP Đầu tư Hải Linh (Công ty Hải Linh) và đặt trụ sở tại xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Trên đăng ký kinh doanh, công ty này hoạt động trong lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động cấp tín dụng… Nhưng, thực chất Hoan là đối tượng cầm đầu, chỉ đạo hoạt động cho vay nặng lãi với những gói vay đa dạng. Ngay thời điểm bắt giữ, cơ quan công an thu giữ hơn 11 tỷ đồng cùng rất nhiều sổ, sách, chứng cứ liên quan đến hoạt động cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ”.
 Một số đối tượng liên quan đến chuyên án cho vay nặng lãi tại Công ty Hải Linh.
Ổ nhóm “tín dụng đen” do Hoan điều hành có dã tâm vây những “con mồi” đang là chủ DN. Sau thời gian rơi vào vòng xoáy, chủ DN gần như mất khả năng chi trả, luôn phải gồng mình thanh toán cho “DN tài chính” các khoản lãi theo cấp số nhân…
Chị Nguyễn Thị Thủy (tên nhân vật đã được thay đổi), một chủ DN và là nạn nhân của Công ty Hải Linh, đã thông tin quá trình vướng vào vòng xoáy vay nợ “tín dụng đen”. Thủ đoạn của nhóm đối tượng Công ty Hải Linh quá quỷ quyệt và chị Thủy chỉ nhận ra khi số tiền bị xiết nợ sau một khoảng thời gian ngắn đã gấp 5 lần số tiền nợ ban đầu.
Theo chị Thủy, nhóm đối tượng thuộc Công ty Hải Linh tiếp cận chị rất vồn vã, thân thiện và không đề cập đến hoạt động cho vay nặng lãi. Thậm chí, chúng tạo sự tin tưởng bằng cách rất hay tặng chị Thủy quà có giá trị cao. Sau thời gian, nhận thấy “con mồi” đã tin tưởng, nhóm đối tượng bắt đầu ra tay. Theo đó, các đối tượng “mách nhỏ”, gợi mở chị Thủy mua bất động sản với giá hời. Dẫn dắt chị Thủy đến xem bất động sản, nhóm “cò mồi” kẻ tung, người hứng giá trị mảnh đất.
Đồng thời, chúng úp mở hé lộ thông tin nhiều người đang quan tâm mua và nhiều kẻ sẽ mua ngay lại theo dạng “lướt sóng” bất động sản… Dù không đủ tiền nhưng nhìn thấy lợi nhuận ảo do nhóm “cò mồi” thêu dệt lên, chị Thủy rất sốt ruột.
Chọn đúng thời điểm này, người của Công ty Hải Linh đã ngỏ lời giúp đỡ vốn cho chị Thủy. Như gặp phao cứu sinh, chị Thủy đồng ý vay ngay 10 tỷ đồng để mua mảnh đất với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Theo thỏa thuận 10 ngày trả lãi 1 lần.
“Cướp” công ty
Niềm tin buôn bất động sản của chị Thủy vỡ vụn khi các “khách hàng” mua mảnh đất tự dưng dần biến mất. Đám “cò mồi” cũng dần thoái thác, rút êm như có tính toán từ trước. Khoảng thời gian sau đó, chị Thủy luôn trong tâm trạng hoảng loạn, đôn đáo tìm các nguồn tiền để trả lãi. Những lúc không trả được nợ, nhóm đối tượng cho vay khéo léo đề nghị cộng lãi vào gốc và tiếp tục tính lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con với tốc độ chóng mặt.
Khi nạn nhân cạn kiệt tiền trả lãi, lúc này nhóm đối tượng của Công ty Hải Linh mới lộ rõ bản chất khi liên tục gây sức ép trả nợ bằng thủ đoạn đến quấy rối việc làm ăn của công ty chị Thủy. Chúng dọa nạt, thậm chí đánh những người xung quanh nhằm gây áp lực. Tối hậu thư các đối tượng đưa ra là ép chị Thủy phải nhượng lại cổ phần của DN. Thời điểm này, chị Thủy đã nợ tổng cả gốc và lãi là 50 tỷ đồng…
Thống kê chưa đầy đủ giai đoạn đầu của chuyên án, thủ đoạn các đối tượng Công ty Hải Linh áp dụng với chị Thủy không phải duy nhất. Hiện tại, có hơn 100 DN đang vay nợ Công ty Hải Linh 1.600 tỷ đồng và hệ luỵ tiền lãi kéo theo hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Bình - Trưởng phòng CSHS (Công an TP Hà Nội), nguồn tiền để các đối tượng dùng cho khách hàng vay cũng phức tạp. Các đối tượng đã cấu kết, làm giả sổ tiết kiệm, sau đó cầm cố ngân hàng, rút tiền để kinh doanh cho vay nặng lãi. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Bình dù để lại hệ luỵ cho xã hội lớn nhưng việc xử lý các đối tượng chưa đủ sức răn đe.

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội “Cho vay nặng lãi” ngay cả tình tiết tăng nặng (khoản 2) thì đối tượng phạm tội cũng chỉ ở khung hình phạt tù từ 6 tháng - 3 năm tù. Chính vì vậy, Thượng tá Nguyễn Bình mong muốn Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tăng nặng hình thức xử lý những trường hợp cho vay nặng lãi có biến tướng nguy hiểm.