Tuesday, 08:19 07/07/2015
Tín dụng tăng, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Kinhtedothi - Dù tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khá nhưng nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp.
Trước nguy cơ giảm phát, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng “chắc ăn”
Ông Nguyễn Đình Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP Rừng hoa Đà Lạt cho biết, mỗi hecta đất trồng hoa, DN này phải đầu tư 1 - 3 tỷ đồng nhà kính. Tuy vậy, các ngân hàng lại không chấp nhận sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp khiến DN hạn chế trong khả năng tiếp cận vốn.
Có bao nhiêu giấy tờ nhà đất đem thế chấp hết để vay vốn ngân hàng là thực tế chung của nhiều DN, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ hiện nay. Bên cạnh việc chứng minh khả năng tài chính, hầu như ngân hàng nào cũng yêu cầu DN phải có tài sản bất động sản thế chấp khi vay vốn. Lãnh đạo một tỉnh phía Bắc cho biết, việc tiếp cận vốn hiện nay rất khó khăn, ngân hàng "chắc ăn", đòi phải thế chấp bằng tài sản nên DN không vay được.
Thừa nhận tình trạng vẫn còn một bộ phận DN chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những DN không tiếp cận được vốn ngân hàng nguyên nhân chủ yếu là do DN không có tài sản, tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được khả năng trả nợ… “Tổ chức tín dụng chỉ là trung gian tài chính, huy động vốn của người dân để cho vay nên hoạt động cho vay phải đảm bảo an toàn” - bà Hồng nói.
Liên quan đến kiến nghị chấp nhận nhà kính làm tài sản thế chấp, bà Hồng thừa nhận, hiện nay chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất. NHNN và các bộ, ngành đang xem xét, nghiên cứu để sớm ban hành hướng dẫn về cấp chứng nhận sở hữu với tài sản trên đất nhằm tạo điều kiện cho DN sử dụng tài sản này thế chấp ngân hàng.
Giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số này trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay. “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 6,28% trong 6 tháng đầu năm, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát đang lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao quay trở lại như trước đây. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 6,5% trở lên, một trọng những điều kiện cần là phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay” - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính nhấn mạnh.
Với mức lãi suất cho vay trung bình trên thị trường hiện nay khoảng 8,5% trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. “Điều này có nghĩa là đối với một DN có hiệu quả hoạt động ở mức trung bình trên thị trường, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ để trả nợ lãi suất và sớm hay muộn, các DN này cũng sẽ thu hẹp quy mô sản xuất” - ông Độ chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở DN đầu tư và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, gây khó khăn cho các con nợ, trong đó có cả nợ xấu và nợ công. Các tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay sau khi trừ đi lạm phát) tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76 điểm phần trăm.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TP đã cam kết cho DN vay 51.328 tỷ đồng với lãi suất phổ biến từ 6 - 8%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8,5 - 10,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn lãi suất thấp của DN vẫn rất lớn. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tiếp tục chủ trì làm việc giữa tổ chức tín dụng và DN trên địa bàn để giải quyết khó khăn, vướng mắc và biện pháp xử lý thích hợp trong quan hệ tín dụng, chủ động xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của tổ chức tín dụng và khách hàng.
![]() Cần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh Nguyễn Lam
|