Tín dụng tăng tốc: Lo nhiều hơn mừng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư nợ tín dụng cải thiện đáng kể ở nhiều nhà băng, cả lớn và nhỏ. Không chỉ vì yếu tố mùa vụ mà tăng trưởng tín dụng cuối năm còn giúp các ngân hàng đạt kế hoạch tín dụng đề ra nhằm tăng nhanh thu nhập.

Nhiều ngân hàng xin thêm dư địa cho vay
Đến thời điểm này, có không ít ngân hàng đã vượt room tín dụng cho phép cả năm đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin được nâng room để có thêm dư địa cho vay. Như Viet Capital Bank vừa được NHNN chấp thuận cho nới room tín dụng lên 30%. OCB cũng được chấp thuận nới room lên mức 25%. Không chỉ với các ngân hàng nhỏ mà nhiều ngân hàng lớn cũng dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành đưa ra cho năm nay là từ 18 - 20%, nhất là khi điều kiện thị trường đang tác động tích cực lên tín dụng như hiện nay.
Thực tế, tín dụng đã tăng rất nhanh trong 2 tháng qua (9 tháng, cả hệ thống mới tăng trưởng 10,64%, đến 10 tháng đạt 11,81% và đến 22/11 đã đạt 14,03%). "Từ nay đến hết năm còn hơn một tháng nữa, và theo thông lệ nhiều năm qua, cuối năm là thời điểm tăng tín dụng rất nhanh. Vì vậy, NHNN xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 17 - 18% vào cuối năm là có thể đạt được” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
Áp lực lãi suất, nợ xấu
Cuối năm là cơ hội để kinh doanh lớn nhất trong năm nên cần có thêm dư địa cho vay, hoàn thành chỉ tiêu. Đó cũng là một trong những lý do để các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi. Đi kèm với đó là chuẩn bị nguồn vốn. Điều này lý giải cho việc vì sao lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng có xu hướng nhích lên. Nhiều ngân hàng đưa ra biểu lãi suất huy động mới, VIB điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 - 5 tháng, 6 - 11 tháng tăng 0,5% lên lần lượt 4,9%, 5,1% và 5,6%. Đáng chú ý, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài 24 - 36 tháng tăng 0,8% từ 6,2% lên 7%. Tại BacABank, các kỳ hạn từ 3 - 5 tháng, lãi suất đồng loạt ở mức trần 5,5%/năm. Theo bảng lãi suất của BaoVietBank áp dụng từ ngày 22/11, kỳ hạn 11 tháng tăng 0,2% lên 6,6%, còn kỳ hạn 12 tháng tăng từ 0,1% lên 7,2%. Tại PVcomBank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 0,2% lên 7,5%.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VIB Hà Nội.  Ảnh:  Việt Dũng

Lãi suất liên ngân hàng VND cũng liên tục tăng trong 1 tháng qua. Trong 3 ngày cuối cùng tháng 11, kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tuần lần lượt ở mức 2,79% và 2,91%/năm. Các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên đều cao hơn 3,3%/năm. So với 1 tháng trước, thời điểm lãi suất liên ngân hàng chỉ quanh mức 1%/năm thì hiện chi phí vay mượn trên thị trường hai đã đắt gấp xấp xỉ 3 lần.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi suất cho vay khó có thể giảm trong bối cảnh hiện nay khi chi phí đầu vào của ngân hàng vẫn theo chiều hướng nhích nhẹ, đặc biệt là trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất. Với thực tế hiện nay, nếu không thận trọng thì không chỉ người vay sập “bẫy” lãi suất cao, mà ngân hàng cũng phải “gánh” nợ xấu, do không sàng lọc tốt và kiểm soát chất lượng tín dụng. Lý do là, lãi suất đầu vào khó giảm, song lãi cho vay ngân hàng vẫn chào ở mức thấp trong giai đoạn đầu khiến nhiều khách hàng dễ dàng ký hợp đồng vay, sau đó mất khả năng, không trả được lãi, cộng nợ gốc.
Một vấn đề nữa cũng được đặt ra, đó là vốn tăng thần tốc như vậy sẽ đổ vào đâu trong khi nợ xấu đang là rào cản. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt vốn vào các dự án BOT, BT giao thông… Báo cáo của các Chi nhánh NHNN Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng 11 tháng tăng lần lượt 15,6%, 16,01%, ước tính cả năm đạt mức tăng trưởng từ 18 - 20%, trong đó tăng trưởng cao nhất vẫn là dư nợ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của phân khúc tín dụng này cũng tỷ lệ thuận với tăng trưởng dư nợ.
Trước đó, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), đến tháng 9, tín dụng đang tập trung vào kỳ hạn trung và dài hạn, trong khi xét ở khía cạnh ngành kinh tế, lĩnh vực dịch vụ đang chiếm tỷ trọng tín dụng cao nhất. Trong đó, "tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 5,3% so với cuối năm 2015, chiếm 8,5% tổng tín dụng. Ngoài ra, hoạt động tiêu dùng liên quan đến bất động sản cũng chiếm tỷ trọng khá lớn. Tín dụng tiêu dùng chiếm 11,3% tổng tín dụng, tăng 1,6 điểm% so với con số 9,7% của năm 2015, tăng mạnh 28,7% so với thời điểm cuối năm 2015” - thống kê của NFSC chỉ ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần