Tín dụng tiêu dùng sẽ bùng nổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tín dụng tiêu dùng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây, song theo các nhận định đưa ra, năm nay mới thực sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng.

Tăng đột biến

Theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tương đương 16.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối 2015, con số này đã tăng lên 6,8% tương đương 90.000 tỷ đồng. Hiện, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP đạt 6,4%; tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Nhân viên Chi nhánh VPBank Hà Nội tư vấn cho khách hàng lựa chọn dịch vụ. 	Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên Chi nhánh VPBank Hà Nội tư vấn cho khách hàng lựa chọn dịch vụ. Ảnh: Phạm Hùng
Cho vay tiêu dùng đang là sản phẩm phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều có các sản phẩm cho vay tiêu dùng, từ các khoản vay lớn như mua nhà, mua ô tô cho đến các khoản vay nhỏ như vay mua đồ gia dụng, điện thoại, xe máy, phục vụ các nhu cầu tiêu dùng nhỏ như khám chữa bệnh, du lịch... “Với số dân 93 triệu người, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường khổng lồ cho lĩnh vực vay tiêu dùng phát triển” - ông Sanjay Chakrabarty - Tổng Giám đốc Công ty Prudential Finace nhận định, và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động của những DN mới tham gia vào thị trường, ngành tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh vào năm 2016. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng thẻ tín dụng trong thanh toán tiêu dùng cá nhân đang được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là những người làm văn phòng trong độ tuổi từ 25 - 40.

Với ưu thế nhanh, gọn, đơn giản, thuận tiện, vay tiêu dùng ngày càng đưa người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay. Tại các hệ thống siêu thị điện máy và cửa hàng bán đồ công nghệ như Nguyễn Kim, Media Mart, Pico, Thế giới di động… đều có sự hiện diện của các công ty tài chính như FE Credit, HD SAISON, Home Credit… với phương thức tiếp cận đến từng khách hàng. Chẳng hạn, Home Credit phối hợp với FPT Shops, Thế giới di động, Viettel tung ra 3 chương trình áp dụng lãi suất ưu đãi cho nhiều mặt hàng khác nhau. Hay FE Credit cho mua trả góp Oppo R7 Lite… HD SAISON cũng bắt tay với các nhà bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Pico, Media Mart để cung ứng ra thị trường một loạt sản phẩm vay trả góp (gồm: laptop, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi…) với lãi suất ưu đãi...

Theo đại diện bộ phận bán hàng của Nguyễn Kim, đa phần khách hàng đến Nguyễn Kim mua sản phẩm đều có mức thu nhập trung bình nhưng khi được tư vấn và biết đến dịch vụ cho vay tiêu dùng hầu hết đều mua sản phẩm tốt, giá cao và thời gian trả nợ linh hoạt. Theo đại diện Thế giới di động, các dịch vụ cho vay tiêu dùng đã góp phần kích cầu mua sắm của khách hàng. Giám đốc ngành hàng Dịch vụ FPT Shop Lê Đức Thuần cho biết, tỷ trọng doanh số bán hàng qua hình thức trả góp trong 2015 đã tăng trưởng gần 100% so với 2014.

"Con gà đẻ trứng vàng"

Cuối năm 2014, NHNN ra dự thảo yêu cầu các NH có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính. Từ đó đến nay, hàng loạt NH đổ xô đi mua công ty tài chính tiêu dùng. Đầu tháng 3 vừa qua, NHTMCP Quân đội (MB) đã chính thức sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV MB (M Finance). Ngoài hệ thống các NH thương mại, hiện tại trên thị trường có khoảng 20 công ty tài chính đang hoạt động, “phủ sóng” tới hàng nghìn cửa hàng bán ô tô, xe máy, các siêu thị điện máy… trên cả nước để cho vay tiêu dùng. Mảng tín dụng tiêu dùng đang mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều NH và công ty tài chính.

Báo cáo kết quả kinh doanh 2015 của VPBank cho thấy, sau khi cộng thêm cả hai công ty con (FE Credit và VPBank AMC), thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay vốn tăng thêm 3.700 tỷ đồng và lãi trước thuế tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng lợi nhuận của NH. Nếu như năm 2014, tổng dư nợ của VPBank chỉ đạt gần 78.380 tỷ đồng, sang đến năm 2015, con số này tăng vọt lên 116.800 tỷ (tăng 49%) trong đó cho vay cá nhân đạt 62.235 tỷ đồng, tăng 71% năm so với trước và chiếm 53,3% tổng dư nợ, vượt qua tín dụng cho DN. Trong khi đó, ông Đàm Thế Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH HD Saison cho biết, năm 2015, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng tăng cao, HD Saison đã nâng tổng mức tiền giải ngân lên gấp đôi, cùng với đó là tăng số điểm giới thiệu dịch vụ và lượng nhân viên lên gấp đôi. Năm qua, HD Saison đã phục vụ khoảng 500.000 khách hàng và hiện đã đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cho hơn 1,5 triệu khách hàng. Còn tại Vietcombank, năm 2015, lĩnh vực phái sinh và thẻ tín dụng chiếm 30% thị phần hệ thống ngân hàng theo số lượng thẻ và 44% thị phần theo doanh thu thẻ. Giai đoạn từ 2016 - 2020, Vietcombank định hướng phát triển mạnh mảng NH bán lẻ, với mục tiêu trở thành NH số 1 về bán lẻ.

Sau Vietcombank, Agribank đã phát hành được trên 17 triệu thẻ, chiếm hơn 19% thị phần, đứng thứ 2 trên thị trường thẻ Việt Nam. Trên cơ sở nền tảng công nghệ vững chắc, Agribank triển khai các hệ thống ứng dụng đa dạng như: Hệ thống Corebanking, hệ thống quản lý thẻ từ và thẻ chip theo chuẩn EMV, hệ thống Mobile banking, hệ thống Internet banking…, để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ tối ưu nhất.

Thực tế cho thấy, cho vay tiêu dùng đã mang đến cho nhiều người một kênh vay tiêu dùng chính thức, song thị trường tương đối mới mẻ này tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro mà cả bên cho vay và người đi vay cần phải suy xét. Lấy ví dụ cho một sản phẩm giá 8 triệu đồng bán tại cửa hàng Thế giới di động, nếu khách hàng trả trước 30% chỉ cần nộp chứng minh thư và hộ khẩu có thể trả góp trong 6 tháng với chênh lệch không quá lớn so với giá ban đầu, nhưng nếu trả góp trong 12 tháng, lãi suất có thể lên tới 22 - 25%, và nếu không trả trước ban đầu, chỉ trả góp trong 12 tháng thì lãi suất lên đến 32 - 38%/năm, áp dụng tại FECredit.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc các công ty tài chính và NH thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự tăng trưởng của tín dụng “đen". Tuy nhiên cần có các biện pháp kiểm soát để hoạt động này phát huy hiệu quả. Để tránh bị kiện tụng, khách hàng cần cân nhắc trước khi tham gia vay tiêu dùng trả góp. Đồng thời lưu ý trước và sau khi ký hợp đồng, đặc biệt là những nội dung liên quan đến lãi suất vay; các khoản phí, chi phí khác như phí mua bảo hiểm cho khoản vay; lãi phạt; thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ; điều kiện thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng...
Khảo sát thực tiễn hoạt động tín dụng tiêu dùng trên thế giới có thể thấy, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Tính đến đầu năm 2016, tổng dư nợ cho vay tín dụng tại thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 4.100 tỷ USD, tương đương khoảng 23% GDP. Tổng dư nợ cho vay tín dụng tại Anh cũng đạt tới 16% GDP, Đức 10,5%, Pháp 9,8%, Italia 8,7% và Tây Ban Nha 8,6% GDP. Trong khi đó, tại Việt Nam tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đạt hơn 6% và theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) vào năm 2020.
Hướng tới mô hình vay chuẩn
Tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, với rất nhiều tiềm năng, dư nợ tiêu dùng vẫn tăng trưởng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân lại có xu hướng tăng trở lại. Vì thế, yêu cầu đặt ra trong các giao dịch vay tiêu dùng phải minh bạch, hợp đồng rõ ràng, ghi rõ cách tính lãi suất, không gây hiểu lầm cho người vay. Về phía các công ty tài chính, cần rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để bảo đảm an toàn tín dụng, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn.
            Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN

Khuyến khích cạnh tranh để hạ lãi suất
Thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn trong năm 2016. Về lâu dài nên khuyến khích, tạo điều kiện để nhiều công ty tài chính tham gia hoạt động để cạnh tranh với nhau. Các NH thương mại cũng cần phải đẩy mạnh hơn trong cho vay tiêu dùng, nhằm tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời giảm bớt “gánh nặng” lãi suất cho người vay.  Ngoài ra, dưới sự giám sát của NHNN, hoạt động của công ty tài chính cũng cần minh bạch và an toàn hơn.
Chuyên gia ngân hàng Đinh Thế Hiển