Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu lạc quan

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ hai người dân được khảo sát năm 2019, có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, tăng gấp đôi tỷ lệ so với năm 2016. Đó là dấu hiệu tích cực thấy được khi Tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB-2019). Dù chỉ là những thông tin mang tính tham khảo, nhưng qua đó cũng cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng và niềm tin của người dân vào công tác này.

 Tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB-2019).
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh cả về bề rộng và chiều sâu. Các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, nghi ngờ có tham nhũng cũng như tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Hàng loạt vụ án lớn liên quan đến kinh tế, tham nhũng lần lượt được đưa ra xét xử như các vụ vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, vụ đánh bạc nghìn tỷ, các vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm… và nhiều vụ án lớn vẫn đang tiếp tục đưa ra xét xử trong thời gian tới; không ít nguyên cán bộ cấp cao đã phải hầu tòa, phải trả giá cho sai phạm. Chính tinh thần “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào” được thực thi nghiêm túc đã tạo niềm tin trong xã hội. Riêng trong năm 2019, trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch có giá trị trên 23.000 tỷ đồng.
Chuyện kỷ luật cán bộ trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao cũng không còn là vấn đề “nhạy cảm”, khó nói, mà được Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố công khai; việc đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… cũng được thông tin rõ ràng để người dân nắm bắt. Không những thế, việc công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng cũng được tăng cường hơn, qua đó có tác dụng phòng ngừa tốt. Hiện cũng đã xuất hiện những tập thể, cá nhân công khai tên tuổi cá nhân, tổ chức mình khi tố cáo, phản ánh những tiêu cực của các cán bộ có chức, có quyền. Những việc làm đó đã thể hiện cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực đang dần dần trở thành phong trào của toàn xã hội.
Tuy nhiên, từ những con số được công bố cũng cho thấy, người dân có vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, có thể từ chối hối lộ, tẩy chay các DN bị kết tội tham nhũng, tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức trong PCTN… và sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn còn những người dân “không làm gì cả” hoặc không tin tưởng vào tác dụng của việc tố cáo tham nhũng, lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo cũng rất đáng suy ngẫm. Bởi thế, cùng với những kết quả đã có, việc tăng công khai, minh bạch, tạo cơ chế để việc tố cáo tham nhũng hiệu quả hơn, để người dân chủ động tham gia vào việc PCTN phải được thực thi tốt hơn, tạo thêm những tín hiệu tích cực hơn.