Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu phục hồi tích cực cho ngành thép

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm tin về sự phục hồi thị trường bất động sản cũng như các chính sách hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất thấp của Nhà nước là động lực tăng trưởng cho ngành thép.

Thị trường thép trong năm 2024 đối mặt với những thuận lợi và thách thức đan xen. Ảnh: Thành Luân
Thị trường thép trong năm 2024 đối mặt với những thuận lợi và thách thức đan xen. Ảnh: Thành Luân

Tiêu thụ thép tăng nhẹ

Tại thị trường nội địa, giá phôi và thép phế trong quý I/2024 tăng khoảng 5,5% so với quý IV/2023 và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, thép xây dựng nội địa có 7 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 3 đợt điều chỉnh tăng giá trong tháng 1/2024 và 4 đợt điều chỉnh giảm giá trong tháng 3/2024.

Ngày 1/4, một số nhà máy tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng, mức giảm phổ biến 100.000 đồng/tấn. Giá các mặt hàng thép dẹt trong nước liên tục giảm so với cùng kỳ.

Các nhà sản xuất tôn mạ trong tháng 3/2024 cũng điều chỉnh giảm giá từ 300.000 - 600.000 đồng/tấn tùy theo chủng loại, khu vực, đồng thời tiếp tục áp dụng các chính sách chiết khấu, truy hồi. Với những điều chỉnh này, doanh số bán hàng của các DN trong ngành được cải thiện hơn.

Với Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng 3, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 741.000 tấn thép thô, tăng 7% so với tháng trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 693.000 tấn, tăng 34% so với tháng 2/2024.

Trong đó, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 381.000 tấn thép xây dựng, thép chất lượng cao, tăng 80% so với tháng 2 vừa qua. Sản lượng bán hàng tăng trở lại chủ yếu nhờ thị trường trong nước đang vào mùa xây dựng, thị trường xuất khẩu tăng 76% so với tháng trước.

Sản lượng HRC trong tháng 3/2024 đạt 263.000 tấn, giảm nhẹ so với tháng trước. Ngoài ra, sản phẩm thép hạ nguồn của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ ghi nhận hơn 42.000 tấn và 32.000 tấn, tương đương tháng 2/2024.

Lũy kế quý I/2024, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với quý I/2023.

Về phân khúc thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt sản lượng 956.000 tấn, tăng 10%. Thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo nhiều DN trong ngành nhìn nhận, năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành thép nói chung. Nguyên nhân do chính sách vĩ mô thắt chặt tiền tệ, kiềm soát lạm phát, thị trường bất động sản tê liệt, nhu cầu xây dựng suy giảm dẫn tới việc tiêu thụ các sản phẩm suy giảm.

Hầu hết các DN giảm quy mô sản xuất kinh doanh do thua lỗ, có những nhà máy thép lớn phải giảm công suất, đóng lò luyện thép. Sản lượng sản xuất thép năm 2023 của Việt Nam giảm từ 20 - 45%, tùy quy mô các nhà máy.

Từ đầu năm đến nay, thị trường inox - thép vẫn trong giai đoạn khắc phục những tồn tại của năm 2023, đặc biệt là lượng hàng tồn kho lớn, nhu cầu thấp do thị trường xây dựng dân dụng chưa thực sự hồi phục. Tuy nhiên, thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là nửa cuối tháng 3. Sản lượng tiêu thụ thép bắt đầu tăng kéo theo giá tăng.

Niềm tin về sự phục hồi thị trường bất động sản cũng như các chính sách hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất thấp của Nhà nước là động lực tăng trưởng cho ngành inox, sắt, thép.

Thị trường thép ở các nước trên thế giới cũng có nhiều tín hiệu tích cực, dự báo tăng trưởng 3%. Riêng Việt Nam, dự đoán sản lượng ngành thép tăng trưởng từ 8 - 10% trong năm 2024.

Tồn kho thép sẽ giảm?

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, kinh tế vĩ mô là yếu tố quyết định tới sự sống còn của ngành inox, sắt thép. Khi nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu về inox, sắt thép rất lớn, vì đây là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành chủ lực, từ dân dụng cho tới xây dựng, công nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, các DN inox, sắt thép có tỷ lệ phá sản lớn nhất trong các ngành, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức mới đây cho biết, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Việt Thắng cho biết, năm 2023 vừa qua là giai đoạn khó khăn với ngành bất động sản và xây dựng nói chung.

Trong khi đó, lĩnh vực thép chịu ảnh hưởng đáng kể do là ngành kinh doanh ăn theo. "Kết quả kinh doanh năm 2024 chưa thể tăng trưởng đột biến dù năm 2022 - 2023 là đáy, do nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa ấm lên. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao" - ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnox Bùi Mạnh Toàn nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, ngành vật liệu xây dựng nói chung và sắt, thép, inox nói riêng đã cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững thị phần.

Từ cuối 2023 đến những tháng đầu 2024, một loạt chính sách hỗ trợ thị trường đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai. Về thuế, Chính phủ đẩy mạnh chính sách tài khóa, tài chính như đẩy mạnh đầu tư công, dự kiến 2024 là 657.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho nhiều ngành, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, giảm lãi suất liên tiếp, lãi suất huy động, lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ nguồn vốn và cơ cấu nợ…

"Đây là những giải pháp kịp thời, nhanh nhạy, giúp DN lấy lại niềm tin nên các chỉ số kinh tế đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Năm 2023, Việt Nam là nước hiếm hoi trên thế giới giữ được mức tăng trưởng dương trên 5%. Năm 2024 dự kiến kế hoạch tăng 6 - 6,5%, mặc dù bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục chậm lại. Cộng đồng DN rất phấn khởi, đã tiếp cận nguồn vốn dễ hơn, lãi suất lại rất thấp, có thể nói là ở mức hấp dẫn nhất trong 20 năm qua" - ông Bùi Mạnh Toàn cho hay.

Vị lãnh đạo này nhận định, ngành thép nói chung và ngành inox nói riêng sẽ phát triển tốt trong năm nay. Sản lượng chắc chắn sẽ tăng, cùng với đó là sự phục hồi về giá, hàng tồn kho giảm, DN có lợi nhuận chứ không thua lỗ như 2 năm qua.

Yếu tố hỗ trợ đầu tiên đó là chu kỳ kinh tế. Khó khăn lớn nhất sau đại dịch đã qua, một chu kỳ kinh tế tăng trưởng bắt đầu, niềm tin của các DN đã trở lại. Thứ hai, đó là các chính sách tài khóa, tài chính đang được Chính phủ triển khai rất khẩn trương, linh hoạt giúp DN tiếp cận nguồn vốn dễ dàng với lãi suất thấp hơn. Các chính sách hướng vào đầu tư công, phát triển hạ tầng cơ sở… làm phát sinh nhu cầu rất lớn về sắt thép, inox.

Thứ ba, Việt Nam vẫn là điểm đến sáng giá của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư FDI không ngừng tăng qua các năm... "Chúng tôi tin tưởng rằng, 2024 là một năm hồi phục của nền kinh tế, các DN ngành sắt thép, inox được hưởng lợi trước những thời cơ và chính sách nói trên, để tăng trưởng bền vững, tạo đà cho đột phá trong năm 2025" - ông Bùi Mạnh Toàn cho biết.