Tín hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thị trường trên khắp thế giới đang nhấp nháy đèn đỏ liên hồi cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang nghiêng ngả trên bờ vực. Câu hỏi về một cuộc suy thoái không còn là nếu, mà là khi nào?

Khi các nhà kinh tế cảnh báo về sự suy thoái, họ thường dựa vào đánh giá của mình trên nhiều chỉ số khác nhau. Dưới đây là những tín hiệu - chỉ số chính về suy thoái kinh tế thế giới.

USD quá mạnh

Đồng USD đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế toàn cầu và tài chính quốc tế. Và ngay bây giờ, nó mạnh hơn so với cách đây hai thập kỷ. Lời giải thích đơn giản nhất trở lại với Fed. Khi Fed tăng lãi suất, như đã làm kể từ tháng 3, điều đó làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Hoạt động sản xuất trong nhà máy tại Tiểu bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Reuters
Hoạt động sản xuất trong nhà máy tại Tiểu bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong bất kỳ môi trường kinh tế nào, đồng USD được coi là một nơi an toàn để gửi tiền của bạn. Trong một môi trường hỗn loạn - chẳng hạn như đại dịch toàn cầu hoặc xung đột Nga - Ukraine các nhà đầu tư thậm chí còn có nhiều động lực hơn để mua USD, thường là dưới dạng trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trong khi đồng USD mạnh là một lợi ích tốt cho người Mỹ đi du lịch nước ngoài, nó gây đau đầu cho tất cả những người khác.

Giá trị của đồng bảng Anh, đồng Euro, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Yen của Nhật Bản, cùng với nhiều đồng tiền khác, đã giảm. Điều đó làm cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với các quốc gia đó. Đáp lại, các ngân hàng trung ương vốn đang chống chọi với lạm phát do đại dịch gây ra sẽ phải tăng tỷ giá cao hơn và nhanh hơn để nâng cao giá trị đồng tiền của chính họ.

Đồng USD mạnh lên quá nhiều cũng tạo ra hiệu ứng bất ổn cho Phố Wall, vì nhiều công ty thuộc S&P 500 (một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ) kinh doanh trên khắp thế giới. Theo một ước tính của Morgan Stanley, mỗi lần tăng 1% của chỉ số USD sẽ có tác động tiêu cực 0,5% đến thu nhập của S&P 500.

 

Dự báo kinh tế toàn cầu trước mắt là ảm đạm, nhưng ẩn chứa những cơ hội. DN phải thay đổi. Đây là câu chuyện kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các DN không còn có thể tiếp tục con đường mà họ đã đi. Cần nắm bắt những cơ hội.
Cố vấn kinh tế của Ngân hàng Quốc tế Vùng Vịnh GIB Rima Bhatia

Người tiêu dùng Mỹ giảm mua sắm, doanh nghiệp giảm quy mô

Động lực số 1 của nền kinh tế lớn nhất thế giới là mua sắm. Tuy nhiên, theo Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của EY Parthenon cho biết: “Khó khăn do lạm phát gây ra có nghĩa là người tiêu dùng đang phải tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trong tháng 8 ở mức 3,5%, gần mức thấp nhất kể từ năm 2008 và thấp hơn nhiều so với mức trước Covid -19 là khoảng 9%”.

Một lần nữa, việc Fed tăng lãi suất, người tiêu dùng đang phải hứng chịu tỷ lệ đi vay cao và giá cả cao, đặc biệt là khi phải chi dùng cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhà ở.

Hoạt động kinh doanh đã bùng nổ trên khắp các ngành trong phần lớn thời gian đại dịch xảy ra, ngay cả khi lạm phát cao khiến lợi nhuận giảm sút. Đó là nhờ vào sự kiên trì của những người mua sắm Mỹ, các DN có thể chuyển chi phí sản xuất cao hơn của họ cho người tiêu dùng để cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, tình trạng này không thể kéo dài.

Vào giữa tháng 9, FedEx, hoạt động tại hơn 200 quốc gia, đã bất ngờ sửa đổi triển vọng của mình, cảnh báo rằng nhu cầu đang giảm và thu nhập có thể giảm hơn 40%.

Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành của FedEx đã được hỏi liệu ông có tin rằng cảnh báo của FedEx là dấu hiệu của một cuộc suy thoái toàn cầu đang rình rập hay không. Ông trả lời: “Tôi nghĩ vậy. Những con số này, chúng thể hiện tình hình không tốt lắm". FedEx không đơn độc. Hôm 4/10, cổ phiếu của Apple đã giảm sau khi Bloomberg báo cáo rằng công ty đang hủy bỏ kế hoạch tăng sản lượng iPhone 14 vì nhu cầu thấp hơn kỳ vọng.

Phố Wall đã bị ảnh hưởng bởi sự thất thường và các cổ phiếu hiện đang đi vào vết xe đổ cho năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Phố Wall đã bị ảnh hưởng bởi sự thất thường và các cổ phiếu hiện đang đi vào vết xe đổ cho năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

“Thị trường gấu” chứng khoán

Thị trường gấu (bear market) là hiện tượng các loại chứng khoán rớt giá liên tục (ít nhất 20%) và diễn ra trong một thời gian ít nhất từ hai tháng trở lên. Phố Wall đã bị ảnh hưởng bởi sự thất thường và các cổ phiếu hiện đang đi vào vết xe đổ cho năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Điểm mấu chốt: Có rất ít nơi an toàn để các nhà đầu tư đặt tiền của họ ngay bây giờ và điều đó sẽ không thay đổi cho đến khi lạm phát toàn cầu được kiểm soát và các ngân hàng trung ương nới lỏng sự kiềm chế của họ.

Xung đột vũ trang và các chính sách kinh tế mâu thuẫn

Không nơi nào có thể thấy được sự va chạm của các thảm họa kinh tế, tài chính và chính trị một cách đau đớn hơn ở Vương quốc Anh.

Giống như phần còn lại của thế giới, Anh đã phải vật lộn với giá cả tăng vọt mà nguyên nhân chủ yếu là do cú sốc khổng lồ của Covid-19, tiếp theo là sự gián đoạn thương mại do Nga xung đột Ukraine. Khi phương Tây cắt giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, giá năng lượng đã tăng vọt và nguồn cung cấp giảm dần.

Những sự kiện đó tự nó đã đủ tệ. Chỉ hơn một tuần trước, chính phủ mới được thành lập của Thủ tướng Liz Truss đã công bố một kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng mà các nhà kinh tế từ cả hai đầu của phổ chính trị đều đánh giá là không chính thống. Nói tóm lại, chính quyền Truss cho biết họ sẽ cắt giảm thuế đối với tất cả người Anh để khuyến khích chi tiêu và đầu tư, đồng thời về lý thuyết, làm dịu bớt đòn suy thoái. Nhưng các khoản cắt giảm thuế không được tài trợ, có nghĩa là chính phủ phải gánh nợ để tài trợ cho họ.

Quyết định đó đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính và khiến Phố Downing rơi vào tình thế bế tắc. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã bán tháo hàng loạt trái phiếu của Vương quốc Anh, đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần 230 năm. Ngân hàng trung ương Anh đã tiến hành một cuộc can thiệp khẩn cấp để mua trái phiếu của Vương quốc Anh hôm 5/10 và khôi phục trật tự trên thị trường tài chính.

Mặc dù một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023, nhưng không thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của nó hoặc kéo dài bao lâu. Không phải cuộc suy thoái nào cũng đau đớn như cuộc đại suy thoái 2007 - 2009. Nhưng tất nhiên, cuộc suy thoái nào cũng để lại hậu quả nhất định. Một số nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ, với thị trường lao động mạnh mẽ và người tiêu dùng kiên cường, sẽ có khả năng chịu đòn tốt hơn những nền kinh tế khác.

Các nhà kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF viết trong một báo cáo tuần này: “Chúng ta đang ở trong vùng biển chưa được thăm dò trong những tháng tới. Triển vọng trước mắt đối với nền kinh tế toàn cầu và đối với phần lớn dân số thế giới là khá u ám”.