Chuẩn bị mọi điều kiện đón khách
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh lực của ngành kinh tế, trong đó du lịch bị thiệt hại hết sức nặng nề. Hàng loạt kế hoạch liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Trị bị ngưng trệ.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị, số lượng khách du lịch và doanh thu xã hội về du lịch năm 2021 giảm hơn 80% so với năm 2019. Các đơn vị lữ hành phải dừng hoạt động hoàn toàn và có 3 doanh nghiệp xin rút giấy phép hoạt động khi khó khăn chồng chất.
Ngoài việc đóng cửa, không đón khách, không có nguồn thu, các doanh nghiệp đa số là doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, không có nguồn dự trữ, phát triển dịch vụ, cơ sở vật chất dần xuống cấp. Nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng cũng phải chấm dứt hoặc chậm trễ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với đó, đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành du lịch bị tác động nghiêm trọng. Khi dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ việc, nhiều lao động chuyển sang các ngành nghề khác. Ngay cả Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị cũng phải buộc tạm hoãn hợp đồng đối với hàng chục nhân viên khi nguồn thu không đảm bảo.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Kế hoạch 3228 ngày 7/9/2021 Bộ VH-TT&DL, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 186 về triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với những giải pháp trọng tâm.
Trong đó, chỉ đạo cũng như hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn vừa có phương án mở cửa đón khách, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Sở tiến hành tổ chức khảo sát, công bố các điểm đến an toàn, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn và các cơ sở dịch vụ khác bảo đảm an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để đón, phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
Nhằm tạo mối liên kết trong vùng cũng như đưa nguồn khách đến, Quảng Trị cùng Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng đã ký kết kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong năm 2022.
“Để phát triển bền vững, ngành tập trung tham mưu xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho du lịch tỉnh phát triển. Trước mắt, năm 2022, chúng tôi tham mưu Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến thu hút đầu tư hướng dẫn các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh du lịch” - ông Hồ Văn Hoan nhấn mạnh.
Những tín hiệu tích cực
Sau những làn sóng Covid-19, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Quảng Trị có dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi. Nhiều điểm du lịch đã mở cửa đón khách trở lại, các đoàn khách du lịch nội địa, đi theo đoàn nhỏ, khép kín… đến tham quan, thăm viếng di tích lịch sử trên địa bàn khá đông.
Trong đó, du lịch nội tỉnh gắn với các hoạt động đầu năm mới, các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tự nhiên khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Trị hoạt động rất sôi động. Nhiều mô hình homestay, du lịch sinh thái đã thu hút khách sau Tết Nguyên đán.
Hiệp hội du lịch tỉnh, doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến, các cơ sở đạt chuẩn đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục vụ khách du lịch theo lộ trình, giai đoạn mở cửa.
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp du lịch cũng bắt đầu có những bước chuẩn bị cụ thể từ cơ sở hạ tầng đến nhân lực nhằm chuẩn bị đón khách. Ông Trần Công Nam - đại diện Công ty TNHH MTV Chín Nghĩa Quảng Trị chia sẻ, với các hoạt động du lịch, dịch vụ, đặc biệt việc đưa đón khách du lịch tuyến cảng Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ, công ty đã tiến hành chuẩn bị mọi cơ sở vật chất và nhân lực để đón khách trong tình hình mới.
“Chúng tôi đã có phương án, kế hoạch chuẩn bị từ cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, cũng như triển khai công tác phòng chống dịch đảm bảo bình an cho du khách. Hy vọng từ tháng 3/2022 trở đi, lượng khách sẽ bắt đầu trở lại với chúng tôi cũng như các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh” - ông Trần Công Nam nói.
Đối với tỉnh Quảng Trị, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi gắn liền với hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022).
Dịp này, Quảng Trị sẽ có nhiều hoạt động nổi bật như lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông“, liên hoan Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn, chương trình nghệ thuật “Khát vọng Hòa Bình” tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị...
Dự kiến, ngoài khách du lịch nội địa tăng cao, tỉnh Quảng trị sẽ đón một lượng lớn khách du lịch đến trong dịp này. Hy vọng cùng với những kế hoạch, giải pháp triển khai trong thời gian tới cùng các hoạt động, lễ hội lớn trong năm 2022, ngành du lịch Quảng Trị sẽ sớm phục hồi và phát triển.