Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tín hiệu tích cực từ số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/6, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024.

Về tình hình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm, đặc biệt tại phiên thảo luận của Quốc hội, rất nhiều đại biểu quan tâm đến tình hình doanh nghiệp để có cái nhìn tổng thể hơn đối với tình hình doanh nghiệp.

Dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phương thông tin, tháng 5, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường (quay trở lại hoạt động) đạt 20.000 doanh nghiệp, gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Tính chung cả 5 tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, con số thống kê của cơ quan này là có tới 98.800 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi chỉ có 97,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường” - ông Trần Quốc Phương nói.

Mặc dù con số cao hơn (hơn 1.000 doanh nghiệp), song theo ông Phương con số trên cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tại Phiên thảo luận kinh tế-xã hội của Quốc hội những ngày vừa qua cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân cũng như những yếu tố tác động đến khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với tình hình đăng ký doanh nghiệp, ông Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi chặt chẽ và báo cáo định kỳ với Thủ tướng và Chính phủ trên tinh thần có các tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế, về việc đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng thêm, tuy nhiên không thể nói rằng, trong bối hoàn toàn thuận lợi với doanh nghiệp, còn rất nhiều khó khăn, do vậy trong phiên họp sáng nay (1/6), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực, để tập trung cho từng lĩnh vực.

Cụ thể là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề cải cách thủ tục hành chính để làm sao các doanh nghiệp thuận lợi hơn, giảm chi phí tuân thủ có thể gia nhập thị trường thuận lợi.

Tiếp đến là cải thiện yếu tố đầu vào, trong đó hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ bao gồm: tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định (có thể phải giảm để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới) và tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Trong khi đó, cơ quan chức năng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách về giảm thuế, giảm hoãn phí, lệ phí… để giúp doanh nghiệp và hỗ trợ thêm yếu tố đầu vào. Còn giải pháp về yếu tố đầu ra là giải pháp về thị trường (liên quan đến thị trường xuất khẩu), ngoài việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có thì tiếp tục thúc đẩy các giải pháp để làm sao các doanh nghiệp sớm có các đơn hàng mới tăng thêm, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình trong 6 tháng cuối năm.