Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín hiệu từ những hợp phần đầu tiên

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao thông thông minh (GTTM) của Hà Nội đã có một năm bứt phá ngoạn mục, hình thành những hợp phần đầu tiên, cung cấp tiện ích tối ưu mà trước đó người Hà Nội chưa từng biết đến.

Tiện ích từ iParking
Ngày 1/5/2017, dịch vụ tìm kiếm điểm đỗ xe qua thiết bị di động iParking chính thức ra mắt người dân Hà Nội. Với iParking, 3 công đoạn: Tìm kiếm điểm đỗ; thanh toán, quản lý doanh thu từ trông giữ xe; quản lý trật tự đô thị đã được thu gọn lại chỉ trong lòng bàn tay người sử dụng với một chiếc điện thoại thông minh.
Thanh toán hóa đơn tại điểm đỗ xe iParking trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Nhật Nam
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức chia sẻ: “iParking thực sự tạo ra một cuộc đột phá làm thay đổi hoàn toàn cách thức cung cấp và sử dụng dịch vụ đỗ gửi xe”. Thay vì phải lái xe vòng quanh tìm chỗ đỗ, giờ đây, các chủ phương tiện chỉ việc mở điện thoại thông minh, làm một vài thao tác đơn giản là đã có thể tìm và đặt cho mình một chỗ đỗ xe thuận tiện nhất. Đặc biệt hơn, việc thanh toán phí gửi xe được thực hiện ngay trên điện thoại di động, hoàn toàn không dùng tiền mặt, nên xóa bỏ hẳn những nghi ngại về sự thiếu minh bạch.

Nhiều chuyên gia nhận định, iParking không chỉ là một ứng dụng cung cấp dịch vụ tìm kiếm điểm đỗ xe, mà còn là một công cụ quản lý đô thị hữu hiệu. “Mục đích cao nhất khi phát triển GTTM là đem lại tiện ích tối đa cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Mô hình iParking đã đáp ứng được cả 2 điều kiện đó” - Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định.

Số hóa toàn mạng lưới

Cũng trong năm 2017, ngoài iParking còn một số ứng dụng công nghệ thông tin khác đã được đặt hàng cho giao thông Hà Nội như: Thẻ vé điện tử liên thông; ứng dụng tìm kiếm xe buýt với tên gọi “Timbuyt”… Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Dương Thế Bình cho hay, thẻ vé điện tử liên thông chuẩn bị được đưa vào thí điểm thay thế vé giấy trên tuyến buýt BRT 01, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn mạng lưới xe buýt và trong tương lai là cả hệ thống đường sắt đô thị.
“Thay vì phải dùng tiền mặt mua vé mỗi khi lên xe buýt, tàu điện, người dân chỉ cần một tấm thẻ dùng chung cho tất cả hệ thống vận tải công cộng” - ông Bình thông tin. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ tinh giản được lực lượng nhân viên bán vé cũng như giám sát, đặc biệt là triệt để loại trừ nguy cơ thất thoát doanh thu.

iParking hay thẻ vé điện tử liên thông chỉ là những hợp phần nhỏ trong kế hoạch xây dựng mạng lưới GTTM của Hà Nội. Quan trọng nhất là 2 yếu tố mang tính nền tảng đối với chỉnh thể GTTM Thủ đô gồm: Số hóa bản đồ giao thông vận tải và thiết lập trung tâm chỉ huy điều hành giao thông. Hai yếu tố này cần rất nhiều nỗ lực, đầu tư và thời gian thực hiện.
Cụ thể, việc phát triển GTTM tại Hà Nội sẽ tập trung vào những mục tiêu chủ yếu như: Thiết lập trung tâm chỉ huy điều hành; hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; hệ thống điều khiển giao thông; hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn; quản lý tình huống khẩn cấp; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý vận tải; quản lý phương tiện cá nhân.
Muốn đạt được những mục tiêu đó, trước hết Hà Nội phải có một bản đồ số chi tiết về mạng lưới giao thông và phương tiện vận tải, bao gồm cả công cộng lẫn cá nhân. Khi đó mọi thông tin trong quá trình vận hành mạng lưới sẽ được thu thập đầy đủ, kịp thời và chuyển hóa thành dữ liệu cơ sở để đưa ra phương án điều tiết, ứng phó với các tình huống trong giao thông.
Lời giải tốt nhất cho bài toán giao thông là Hà Nội phải xây dựng được hệ thống GTTM để tối ưu năng lực sẵn có và chuẩn bị cho tương lai.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành