Đầu tiên là những tín hiệu khả quan khi xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,6%). Trong đó, một số mặt hàng tăng khá cao về kim ngạch (như rau quả, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su, sắt thép,…). Giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng những ngày trước và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định, không có những cơn sốt giá xảy ra.
Tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp) tăng cao hơn tốc độ chung (4,7%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) tính theo giá thực tế tăng 9,9%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì TMBL vẫn còn tăng 6,7%. Đây là tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng tỏ một bộ phận không nhỏ người dân đã chuyển trạng thái từ “ăn Tết” sang “chơi Tết” trong khi một bộ phận khác vẫn còn tâm lý tiết kiệm, lượng tiêu dùng giảm xuống...
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 tiếp tục đà tăng cao của năm 2016. Kết quả này đạt được do chuyển việc cấp thị thực sang điện tử để bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2017 sẽ đạt kỷ lục mới cả về lượng khách, cả về kim ngạch xuất khẩu du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt khả quan vẫn cần có những cảnh báo. Đầu tiên vấn đề có liên quan đến chỉ đạo điều hành là “tiến độ” thực hiện hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu, nhất là chỉ tiêu về vốn đầu tư từ ngân sách so với dự toán năm đạt rất thấp (5,3%). Điều đó chứng tỏ vẫn chưa khắc phục được tình trạng của thời bao cấp, vẫn còn tiếp diễn sau khi đã chuyển đổi cơ chế, tạo ra tình trạng “đầu năm đủng đỉnh”, “cuối năm chạy đích” mà không kịp, ảnh hưởng đến việc kiểm tra kiểm soát chất lượng công trình...
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng rất thấp, trong đó của công nghiệp khai khoáng vẫn tiếp tục giảm sâu (giảm 13,9%). Nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, kể cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giá lương thực tháng 12/2016 so với tháng 12/2011 (tức là sau 5 năm) vẫn còn bị giảm 1,69%, trong khi giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại tăng 22,7% làm cho “cánh kéo giá cả” giữa giá lương thực với giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng còn lại đã doãng ra và kéo dài. Giá thực phẩm cũng trong tình trạng tương tự, tuy mức độ thấp hơn. Nếu như xuất khẩu năm 2016 bị giảm về giá thì tháng 1 năm nay bị giảm cả về lượng, cả về kim ngạch ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Khả năng tăng trưởng của nhóm ngành này năm 2017 sẽ tiếp tục tăng thấp, thậm chí còn có thể bị giảm - năm giảm đầu tiên sau 37 năm.
Xuất khẩu tăng thấp, chủ yếu do xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bị giảm 1,4% và xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ (như gạo, cà phê, thủy sản, dầu thô…). Trong khi nhập khẩu tăng cao. Do vậy, tháng 1 ước tính đã nhập siêu 100 triệu USD và đây là tháng nhập siêu thứ 5 liên tiếp. Diễn biến này cảnh báo khả năng sẽ chuyển từ xuất siêu năm 2016 sang nhập siêu năm 2017, nhưng có thể không đến mức lớn như chỉ tiêu kế hoạch.