70 năm giải phóng Thủ đô

Tín hiệu vui trong đánh giá học sinh Tiểu học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một năm thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học,...

Kinhtedothi - Sau hơn một năm thực hiện Thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, theo đánh giá của nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh đã giảm được nhiều áp lực cho HS, tạo sự gắn kết giữa HS với HS, HS với thầy cô giáo; khoảng cách giữa HS giỏi, trung bình, yếu được rút ngắn.

Học sinh, phụ huynh đều vui

Việc thay điểm số khô khan bằng những lời nhận xét thể hiện tình cảm và tâm huyết của người thầy đã thực sự phá bỏ khoảng cách giữa các HS trong lớp, đồng thời cũng giúp mối quan hệ thầy, trò thân mật và gần gũi hơn. Chia sẻ về những thay đổi trong cách đánh giá HS, chị Nguyễn Thị Ngát có con gái đang học lớp 4 trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, mỗi khi kiểm tra vở của con, thấy điểm 3, điểm 4 là tôi lại lo lắng, sốt ruột. Và cứ thế hết ép con học, làm bài ở nhà lại tìm chỗ học thêm để đưa con đến luyện. Nhưng nay tôi không gò ép cháu phải học như trước để cháu có thời gian vui chơi cùng lũ trẻ hàng xóm”.
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. 	 Ảnh: Công Hùng
Giờ học của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Hơn thế, thay vì phải công bố xếp loại các nhóm HS: Giỏi, khá, trung bình... vào cuối năm nay, cách đánh giá mới như: “Em hoàn thành xuất sắc trong học tập”; “Em đã tiến bộ vượt bậc về môn Toán”; “Em mạnh dạn trong các hoạt động của lớp, của trường”… đã khiến HS thấy mình được trân trọng, quan tâm. Cuối năm học, các em vẫn có thể được khen thưởng vì sự cố gắng và tiến bộ vượt bậc…

 Đánh giá sau một năm thực hiện Thông tư 30, cô Lê Thị Đồng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông) cho biết: Nhà trường đã thấy rất rõ những biến chuyển tích cực cả từ phía HS lẫn GV. Lúc đầu lúng túng, khó khăn, khi khắc phục được cái khó sẽ thực hiện đơn giản hơn rất nhiều. “Qua một năm thực hiện Thông tư 30 đã quen, cảm nhận HS không còn áp lực; dạy thêm học thêm đã giảm nhiều. Phụ huynh không còn cho con đi học thêm để vào trường chuyên, lớp chọn. Để GV thực hiện tốt Thông tư 30, giao ban hàng tuần, hàng tháng chúng tôi thường xuyên nhắc nhở GV, hướng dẫn GV. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra hồ sơ, giáo án tháng/lần; tổ chuyên môn 2 lần/tuần… Đặc biệt, để giảm áp lực, giảm ghi chép cho GV, chúng tôi hướng dẫn chi tiết cho GV: Mỗi ngày đánh giá một hoặc vài HS và luân chuyển hết số HS trong lớp… Có thể nói đến nay, GV đều thực hiện rất tốt, không gặp khó khăn nào” – cô Lê Thị Đồng nhận định.

Thể hiện cái tâm của người thầy

Những lời nhận xét của thầy, cô đã được sử dụng khá khéo léo và hiệu quả, cụ thể: “Em vẽ sơ đồ chưa đúng nên giải sai bài 1”; “Bài văn em đã viết đủ ý, tuy nhiên nếu em so sánh cụ thể hơn, thì văn sẽ còn hay hơn nhiều”… Theo cô Lê Thị Đồng, để đánh giá nhận xét HS chính xác, đòi hỏi sự tận tâm của GV. Hơn thế, qua lời nhận xét của GV, biết cô giáo đã quan tâm tới từng HS, GV biết HS có ưu, khuyết điểm gì, GV quan sát kỹ bài làm của từng HS… “Những ưu điểm khi thực hiện Thông tư 30, đa số các thầy cô viết lời nhận xét vào vở HS một cách cụ thể, dễ hiểu để HS nỗ lực phấn đấu học tập. Ngoài ra, giúp cha mẹ các em thấy những bài tập chưa đạt để cùng GV hướng dẫn, khắc phục” - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du nhấn mạnh.

Lời nhận xét của GV giúp HS vui hơn, cố gắng hơn và thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, vẫn có những lời nhận xét khô khan của GV trên trang vở HS, vẫn còn đâu đó những thầy, cô chưa thực tâm, làm cho xong việc. Ngoài ra, vẫn khá nhiều GV than phiền vì phải ghi sổ sách quá nhiều. Chia sẻ vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, ghi sổ sách không nhất thiết phải quá máy móc, đi sâu quá vào vấn đề hình thức. “Phải nhận thức được GV cần phải làm gì, làm cho ai. Sổ theo dõi chất lượng ghi những gì HS còn hạn chế hoặc có điểm nổi bật, không phải ghi tất cả. Ban giám hiệu cần hướng dẫn kỹ cho GV ghi thế nào. Xem sổ đó đánh giá xem cô giáo này đã lưu bút ở những em này có vấn đề này, kia. Tháng này còn làm chậm, tháng sau thế nào. Không nặng nề về sổ sách, hồ sơ. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, để từ quản lý đến GV và phụ huynh HS thực sự hiểu về cách đánh giá mới. Chỉ khi hiểu rõ và biết cách làm, việc thực hiện sẽ thông suốt, không còn lúng túng, nặng nề” – ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.