4 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 90 về chống thư rác, người có nhu cầu vẫn dễ dàng tới cửa hàng mua thẻ sim trả trước giá rẻ đã kích hoạt, có sẵn tài khoản "khủng". Các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, tiếp thị trên di động cũng chỉ việc thu mua những loại sim này để spam tin nhắn tới các chủ thuê bao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tin nhắn rác “đến hẹn lại lên” theo từng thời điểm. Vài tháng gần đây, tin nhắn rác quay lại. Một trong những điệp khúc mà các thuê bao di động hay nhận được là “gọi đến số này nhé, 19006900 nghe nói xấu vợ cực sướng”, hay “hãy gọi vào tổng đài 19006933 để nghe tấu hài nói xấu vợ”...
Các gói cước ưu đãi của nhà mạng cũng vô tình tạo kẽ hở, "tiếp tay" cho những đối tượng có nhu cầu quảng cáo trên di động mà không phải tốn kém nhiều. Hiện cả 3 nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel đều có gói học sinh, sinh viên, hay dịch vụ nhắn tin theo nhóm người dùng. Hình thức này cho phép thuê bao nhắn đến nhóm từ 5 đến 30 người cùng mạng với chi phí rẻ hơn bình thường.
Đã có vài vụ nổi cộm do các cơ quan chức năng phối hợp và phanh phui, nhưng chừng đó có vẻ không đủ răn đe.
Theo đại diện một nhà mạng, trường hợp tin nhắn rác gửi từ Internet, được phát đi từ máy chủ ở nước ngoài, sau đó đi qua mạng di động có hợp tác với nhà mạng tại VN, vì thế nhà mạng tại VN không biết được ai là thủ phạm. Còn việc lọc hay kiểm tra nội dung tin nhắn là bất khả thi, vì hiện nay không nhà mạng nào làm cả, ngay cả ở các nước cũng thế.
Đại diện lãnh đạo của Bkav cho biết, đơn vị này vừa thực hiện khảo sát về hiện tượng tin nhắn rác trên 50.000 người dùng điện thoại di động trong tháng 10. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao, mỗi người trung bình 3 ngày sẽ nhận một tin rác.
Theo phản ánh của một chủ cơ sở làm dịch vụ nhỏ, trong số các nhà mạng lớn hiện nay, MobiFone có cung cấp dịch vụ Mobilist. Theo đó, thuê bao có thể nhắn tối đa đến 300 tin nhắn/ngày. Việc gửi nhóm cho phép gửi tối đa đến 10 số điện thoại cùng lúc, với giá cước rất rẻ, chỉ khoảng 1.500 đồng.
Hiện tại, các nhà mạng đều có hệ thống chặn tin nhắn rác, hoạt động bằng cách ngăn thuê bao nhắn tin ồ ạt mà vượt quá số lượng cho phép trong một lần gửi (thường là trên 100 hoặc 200 tin). Nắm bắt được nguyên tắc này, các đối tượng thường "luồn lách" bằng việc nhắn một lần vài chục tin rồi tắt máy. Trường hợp tin nhắn được gửi đi từ phần mềm trên máy tính và qua mạng Internet thì nhà mạng không can thiệp được.
Theo thống kê của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xử lý 9 trường hợp vi phạm phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền phạt là hơn 300 triệu đồng. Năm 2011, thanh tra đột xuất 34 DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên mạng thông tin di động, đã xử phạt 26 DN với tổng số tiền 969.000.000 đồng, truy nộp ngân sách nhà nước 737.900.200 đồng, chuyển sang cơ quan an ninh điều tra 1 vụ việc và nhắc nhở 7 trường hợp.