Tin TP Hồ Chí Minh cấm người dân ra đường từ 0 giờ ngày 15/7 là bịa đặt

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khi trả lời báo chí.

Người dân không nên hoang mang vì tin đồn thất thiệt
Trước đó vào tối 13/7, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành văn bản 2337 về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi đảm bảo một trong hai trường hợp: Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” (Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, đó là chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (Có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7, cho đến khi có chỉ đạo mới.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định thông tin trên mạng xã hội từ tối hôm qua 13/7 là bịa đặt.
Từ Thông báo số 2337, ngay trong tối 13/7 trên mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng: “Thành phố sẽ giới nghiêm, đóng cửa, ngưng tất cả các ngành nghề kể cả ngân hàng và… báo chí! Ai có cần mua lương thực, thực phẩm thì đi mua nhanh chứ ra công văn rồi thì không ai đi được nữa, kể cả shipper”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định thành phố vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng nêu rõ văn bản số 2337/UBND-TH về dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công văn này chỉ điều chỉnh một số nội dung liên quan đến các doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất. Các hoạt động cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP vẫn được điều chỉnh theo Công văn số 2279/UBND-VX ngày 8/7, về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị người dân căn cứ vào các thông báo, văn bản do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành, không nghe theo tin giả, không hoang mang.  
Chiêu trò của các tổ chức đầu cơ, tích trữ lương thực?
Về vấn đề tin giả nêu trên, có thông tin cho rằng đây là “chiêu trò” của các đối tượng, tổ chức… đã đầu cơ, tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa  thiết yếu… nhằm tạo hoang mang trong dân. Từ đó người dân đổ xô đi mua và tiêu thụ hết số lượng hàng tồn của các tổ chức, đối tượng đầu cơ với giá cao hơn bình thường.
 Người dân xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart trên đường Trường Sa, phường 12, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) vào trưa 14/7.
Vậy đối với những đối tượng tung tin sai sự thật sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng Luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), cho biết thông tin sai sự thật là những thông tin không đúng, giật gân, các thông tin này hiện nay được cố ý lan truyền qua mạng xã hội nhằm mục đích đánh lừa và gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc số đông trong xã hội đó vì mục đích tài chính hoặc chính trị.
Trong tình hình hiện nay, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhiều đối tượng đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin không đúng sự thật nhằm xuyên tạc diễn biến dịch bệnh cũng như việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
Đối với hành vi đưa những thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, tại điểm a và d khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định: “Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực…”, bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này đối với tổ chức, còn với cá nhân sẽ bị phạt bằng một nửa mức phạt tiền nêu trên.
Cũng theo luật sư Dương Vĩnh Tuyến, ngoài xử phạt hành chính. Pháp luật còn quy định xử phạt về hình sự đối với những ai có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu…, theo tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Lợi dụng dịch bệnh, tạo khan hiếm giả là tội đầu cơ
Luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát nhận định trong tình hình hiện nay đang diễn ra dịch bệnh Covid-19, toàn thể xã hội đang gặp khó khăn về kinh tế…, dẫn đến khan hiếm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác (thuốc tây, xăng, dầu…). Và, tình trạng này đã được các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố xác định vùng thiên tai, dịch bệnh.
Do đó, nếu cá nhân hay tổ chức nào nắm độc quyền kinh doanh các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, lợi dụng vào tình hình thiên tai, dịch bệnh Covid-19, cố tình tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách găm hàng không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt nhằm tạo sự khan hiếm giả tạo để trục lợi, đã có dấu hiệu của tội “Đầu cơ” được quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính, thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ và quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Còn nếu hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên, thu lợi bất chính từ  1 tỷ đồng trở lên và tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
“Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị xử phạt thấp nhất 300 triệu đồng, cao nhất đến 9 tỷ đồng. Cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm”, luật sư Đào Kim Lân, khẳng định.