Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế 14/2: giá vàng tăng mạnh vào ngày Lễ tình nhân

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng tăng cao kỷ lục, vượt 91 triệu đồng/lượng; doanh số thị trường xe Việt lao dốc đầu năm; huy động trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 14/2.

Giá vàng tăng cao kỷ lục, vượt 91 triệu đồng/lượng

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay 2.914,3USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 21,17USD so với hôm qua.

Tin tức kinh tế 14/2: giá vàng tăng mạnh vào ngày Lễ tình nhân. Ảnh minh họa. 
Tin tức kinh tế 14/2: giá vàng tăng mạnh vào ngày Lễ tình nhân. Ảnh minh họa. 

Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), niêm yết giá vàng miếng ở mức 88,3 - 91,3 triệu đồng/lượng (mua vào/ bán ra) tăng 600.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra với chốt phiên chiều qua,

Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC giá vàng nhẫn ở mức 88,3 - 91,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với sáng 13/2.

Doanh số thị trường xe Việt lao dốc đầu năm

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 1/2025 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2024. Xe ô tô du lịch giảm 4%; xe thương mại giảm 1% và xe chuyên dụng tăng 213% so với cùng kỳ năm 2024.

Tính đến hết tháng 1/2025, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7% trong khi xe nhập khẩu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, trong tháng 12/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 31.598 xe, giảm 29% so với tháng 11/2024 và giảm 18% so với cùng kỳ tháng 12/2023.

Huy động trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch

Số lượng huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2024 chỉ đạt 82,6% kế hoạch. Dự báo lợi suất phát hành TPCP sẽ tăng trong năm 2025.

Trong quý 4/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện 56 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 133.500 tỷ đồng, chỉ đạt 45,86% kế hoạch huy động. Tổng giá trị trúng thầu đạt 58.704,5 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 44%.
Cụ thể, KBNN đã huy động 10.120 tỷ đồng, 42.559 tỷ đồng, 750 tỷ đồng và 5.275,5 tỷ đồng trái phiếu tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm. Lũy kế cả năm 2024, KBNN đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng, hoàn thành 82,6% kế hoạch huy động trong năm 2024.

Theo thống kê của Khối Phân tích - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, lợi suất trúng thầu duy trì đà giảm trong nửa đầu quý 4 năm 2024 tuy nhiên đã có sự quay đầu tăng trở lại trong nửa cuối quý 4/2024. Hiện lợi suất trái phiếu trúng thầu kỳ hạn 5 năm ở mức 2,06%; tăng 11 điểm cơ bản so với cuối quý 3/2024 và tăng 48 điểm cơ bản so với cuối năm 2023. Lợi suất trái phiếu trúng thầu kỳ hạn 10 năm ở mức 2,77%; tăng 9 điểm cơ bản so với cuối quý 3/2024 và tăng 57 điểm cơ bản so với cuối năm 2023.

Đã phân bổ gần 90% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2025 là 825.900 tỷ đồng. Đến hết tháng 1/2025, các bộ, ngành và địa phương đã phân bổ chi tiết 741.100 tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch, gồm 310.100 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 431.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư tháng 1/2025 chủ yếu tập trung phân khai vốn, các công trình mới đang hoàn tất thủ tục, nên khối lượng thực hiện chủ yếu ở công trình chuyển tiếp.

Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 35.400 tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2024. Vốn do Trung ương quản lý đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 3,7% kế hoạch, tăng 1,3%.

Kiểm tra các website, ứng dụng thương mại điện tử

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông báo đang phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát và yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử làm rõ tình trạng hoạt động.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhiều thách thức trong công tác quản lý. Do đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là bước đi cần thiết để nâng cao hiệu quả giám sát, xác thực thông tin của doanh nghiệp và người nộp thuế.

Việc rà soát lần này nhằm kiểm soát các nền tảng đã ngừng cung cấp dịch vụ, giải thể hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Nếu quá thời hạn 30 ngày mà không có phản hồi, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký hoạt động theo quy định.

Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các website và ứng dụng thương mại điện tử không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, việc này sẽ giúp kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững.