Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế 3/12: hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng trong nước bật tăng; các ngân hàng không ngừng tăng lãi suất tiền gửi; tiêu thụ thép xây dựng đạt mức cao nhất trong gần 3 năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/12.

Hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến tháng 9/2024.

Tin tức kinh tế 3/12: hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày. Ảnh minh hoạ. 
Tin tức kinh tế 3/12: hơn 9.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày. Ảnh minh hoạ. 

Theo đó, số liệu đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%; tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,95 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm ngoái.

So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính chung, chỉ trong tháng 9 năm 2024, trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng.

Giá vàng trong nước bật tăng

Giá vàng thế giới trong ngày 3/12 giao ngay ở mức 2.638,5 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với đêm qua.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 83-85,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng ở cả chiều mua và bán ra so với sáng nay.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 82,6-84,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng thêm 100.000 đồng ở chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán so với sáng nay.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá vàng nhẫn 9999 lên mức 83,1-84,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với kết phiên giao dịch hôm qua.

Tiêu thụ thép xây dựng đạt mức cao nhất trong gần 3 năm

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2024, tổng lượng thép xây dựng được bán ra thị trường đạt hơn 1,25 triệu tấn (tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2023). Đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm 2022.

Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng lượng thép xây dựng được bán ra thị trường đạt gần 10 triệu tấn (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Theo các chuyên gia, tiêu thụ thép tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng trong nước. Ngoài ra, ngành thép trong nước cũng đang được hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ đã được tăng cường nhằm giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh từ các thị trường lớn khác.

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội

Đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Theo đó, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030. Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau: từ năm 2025 đến năm 2029 bố trí mỗi năm khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.

Để thực hiện gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Việt Nam sẽ trở thành cường quốc thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á

Theo công bố của Tập đoàn nghiên cứu thị trường (IMARC), Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Việt Nam có rất nhiều yếu tố để thu hút sự chú ý của thế giới như tiềm năng tăng trưởng cao, nhờ các yếu tố bao gồm dân số trẻ và am hiểu công nghệ, chính sách thuận lợi của chính phủ, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng và nền kinh tế tập trung mạnh vào xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường đầu tư thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách khác nhau, chẳng hạn như nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài, ưu đãi thuế, giảm thuế suất, chính sách lao động linh hoạt, cải thiện quan hệ lao động, hỗ trợ quan hệ đối tác công tư và các chính sách khác để tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện.

Đáng chú ý, Việt Nam có vị trí chiến lược, là cửa ngõ đến các thị trường Đông Nam Á khác. Việt Nam cũng có sự ổn định kinh tế và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã nâng cao vai trò của Việt Nam là một trung tâm thương mại khu vực.

Đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ cho chuyển đổi số và lực lượng lao động trẻ, lành nghề, am hiểu công nghệ và có thể thích ứng với yêu cầu của ngành thương mại điện tử.