Giá vàng đảo chiều giảm nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 1/7 giao ngay ở 2.321,9 USD/ounce, so với phiên giao dịch chốt tuần vừa qua giảm 3,21 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 1/7, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 74,73 – 75,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) ổn định chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng tăng trưởng thấp
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù ghi nhận mức tăng 8,6%, tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết mức tăng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm nay phục hồi, nhưng vẫn thấp.
Trước thực trạng này, bà Hương đề nghị các bộ, ngành địa phương triển khai các chính sách giảm thiểu tác động tăng giá hàng hóa từ việc tăng lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7, tránh tình trạng “tát giá theo mưa”.
Xuất khẩu tôm hùm tăng kỷ lục
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay. Theo đó, xuất khẩu thủy sản lũy kế nửa đầu năm nay mang về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%, tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ đạt hơn 130 triệu USD.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tăng mạnh
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả chỉ số không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Trên thực tế, mức cải thiện các điều kiện hoạt động là 1 trong 2 mức mạnh nhất kể từ tháng 11/2018, tương đương với các mức được ghi nhận trong tháng 4/2021 và tháng 5/2022.
Các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh hơn chủ yếu phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm.
Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng thành mức chỉ kém mức được ghi nhận vào tháng đầu tiên thu thập dữ liệu khảo sát vào tháng 3/2011. Các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng.
Chính thức siết các ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng lớn
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu từ ngày 1/7/2024
Luật sửa đổi quy định lộ trình 5 năm để các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Theo đó, trong 5 năm tới, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với 1 khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong năm 2029 (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với 1 khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% năm 2029 (mỗi năm giảm 2%).
Từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm về 14% với một khách hàng và 23% với 1 khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.