Tăng trưởng tín dụng hướng tới đích 15%
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến thời điểm 7/9/2024, dư nợ toàn nền kinh tế tăng trưởng 7,75% so với đầu năm.
Trước đó, số liệu của NHNN cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2%. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng bắt đầu dương và từ tháng 6 tích cực hơn.
Theo ông Tú, năm nay, với tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như xu hướng chung của nền kinh tế, đặc biệt là so với năm trước (thời điểm này mới đạt 5,33%), NHNN tin rằng, có khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm đạt mục tiêu 15%. Mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt, quan trọng nhất là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế. NHNN đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất và theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực.
Giá vàng thế giới giảm mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 19/9 giao ngay ở ngưỡng 2.563 USD/ounce, giảm mạnh gần 37 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 19/9, giá vàng SJC tại DOJI trong nước niêm yết ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại SJC niêm yết ở mức 77,98 – 79,18 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh ở nhiều thị trường
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt gần 5 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm trên 65% thị phần.
Các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng 35-90% trong nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định: xuất khẩu rau quả đang vươn lên vị trí hàng đầu trong nhóm nông sản, vượt qua gạo (là mặt hàng xuất chủ lực). Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhờ nhu cầu mua sầu riêng từ Trung Quốc.
Dự báo tiêu thụ ô tô vượt mốc 1 triệu xe vào năm 2030
Số liệu được nêu trong dự thảo "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương) chủ trì soạn thảo.
Dự thảo đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ô tô bình quân từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc mỗi năm. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid đạt 350.000 chiếc, chiếm khoảng 30 - 33% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2030. Dự báo lượng xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng trưởng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt 600.000 - 700.000 chiếc.
Hỗ trợ nhanh, trực tiếp cho doanh nghiệp sau bão
Nghị quyết số 143 của Chính phủ yêu cầu thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; xem xét miễn, giảm lãi vay cho các đối tượng chịu ảnh hưởng sau bão số 3.
Theo đó, các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh chóng, trực tiếp và tập trung vào những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu ưu tiên hỗ trợ trong tháng 9 và 10, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ dài hạn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Chính phủ cũng lưu ý Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành dừng thanh, kiểm tra tại các địa phương để họ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Cũng theo Nghị quyết, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân, an sinh xã hội và khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, kinh doanh. Việc này nhằm giữ đà tăng trưởng kinh tế, phục hồi của các địa phương.