Giá vàng nhẫn tăng vượt mức 76 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới trong ngày 2/7 giao ngay ở 2.326,2 USD/ounce, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua tăng hơn 4 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 2/7, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Vàng nhẫn trong phiên giao dịch ngày hôm nay tiếp tục tăng giá, ghi nhận bật tăng cùng xu hướng tăng của vàng thế giới, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giá vàng nhẫn vượt ngưỡng 76 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở ngưỡng 74,90 - 76,15 triệu đồng/lượng (mua vào/ bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 74,05 - 75,65 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Công ty Bảo Tín Minh Châu áp dụng giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 74,88 - 76,18 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tiền gửi vào ngân hàng tăng thấp kỷ lục
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, tính đến ngày 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới tăng 1,5% so với cuối năm 2023, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.
Tính đến cuối năm 2023, tổng số dư tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đã đạt trên 13,37 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng huy động kể trên, ước tính đã có khoảng trên 200.000 tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh huy động vốn nửa đầu năm nay.
Tuy vậy, mức tăng trưởng huy động vốn 1,5% sau 6 tháng năm nay chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức tăng huy động vốn nửa đầu năm thấp nhất kể từ khi số liệu này được thống kê (năm 2012).
EU gia hạn biện pháp tự vệ thép thêm 2 năm
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, EU gia hạn biện pháp tự vệ thép đến tháng 6/2026. Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.
Ngày 25/6, Ủy ban châu Âu công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm 2 năm nữa, cho đến tháng 6/2026. Quyết định này diễn ra sau cuộc điều tra do 14 quốc gia thành viên EU yêu cầu, cho thấy biện pháp tự vệ tiếp tục cần thiết để ngăn ngừa, hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép của EU.
Ngoài ra, điều này cũng cho thấy ngành công nghiệp EU đang điều chỉnh để đáp ứng mức nhập khẩu cao hơn.
Việc kéo dài và điều chỉnh quy định được chứng minh qua sự kết hợp của các yếu tố gây áp lực nhập khẩu đáng kể trên thị trường EU. Cụ thể, mức dư thừa thép toàn cầu cao và sự gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nước thứ 3, đặc biệt là ở châu Á, dẫn đến xuất khẩu tăng từ các nước thứ 3 đó sang EU.
Xuất khẩu gạo mang về gần 3 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.
Cũng thời gian này, Việt Nam xuất khẩu được 4,68 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,98 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng 32% về giá trị nhờ giá xuất khẩu mặt hàng này neo ở mức cao (theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 26/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta là 657 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 543 USD/tấn).
Hơn 40% doanh nghiệp dự báo sẽ kinh doanh tốt hơn quý II
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có 40,7% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất - kinh doanh quý III sẽ tốt hơn quý II, có 17,1% doanh nghiệp lo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan hơn cả, với 43% doanh nghiệp nhận định tình hình tốt hơn; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng thứ 2, với 42,6% cùng quan điểm; tỷ lệ này với doanh nghiệp tư nhân là 39,6%. Tỷ lệ doanh nghiệp thấy khó khăn ở nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cao nhất: 17,3% so với 16,4% của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 16,8% của khu vực doanh nghiệp FDI. Đây là cuộc điều tra hàng quý do cơ quan thống kê quốc gia thực hiện, với sự tham gia của 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng.