Giá vàng thế giới tăng mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 21/8 giao ngay ở 2.513,9 USD/ounce, tăng 9,86 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 21/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại DOJI đang được mua vào ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn tại Bảo Tín Minh Châu ở mức 77,08 - 78,38 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Đồng USD chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay so với đồng euro trong phiên ngày 21/8 trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý cho số liệu việc làm được điều chỉnh của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày.
Đồng USD cũng đã giảm xuống dưới mốc 145 yen đổi 1 USD và quanh quẩn gần mức thấp hơn một năm so với đồng bảng Anh.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng chịu sức ép đáng kể, chạm mức thấp của một năm sau khi số liệu việc làm suy yếu đã kích hoạt nỗi lo suy thoái kinh tế.
Ngân hàng nhà nước lần thứ 2 giảm lãi suất tín phiếu trong tháng 8
Trong phiên giao dịch 20/8, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.999,9 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,20%/năm, giảm nhẹ so với mức 4,25%/năm phiên trước đó. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu tháng 8/2024 NHNN giảm lãi suất tín phiếu. Trong phiên này, có 9.250 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 1.964,92 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 46.585,21 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 55.349,4 tỷ đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất cũng tiếp tục hạ nhiệt. Ngày 20/08, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 – 0,09 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần. Cụ thể, lãi suất qua đêm là 4,50%/năm; 1 tuần là 4,60%/năm; 2 tháng là 4,70%/năm và 1 tháng là 4,76%/năm.
30.000 doanh nghiệp F&B tại Việt Nam đóng cửa trong nửa đầu năm 2024
Theo báo cáo, nửa đầu năm nay, Việt Nam có khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh ẩm thực, giảm gần 4% so với năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm tới 5,97% số lượng cửa hàng. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng mới tăng nhẹ 0,1%.
Các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam đã chứng kiến sự biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Mặc dù khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực nhưng đến giữa năm, kết quả kinh doanh đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2 là hơn 43,4%. Tháng 3 có sự tăng trưởng nhẹ và sau đó giảm đều tới giữa năm.
Dù vậy, tổng giá trị doanh thu ngành F&B tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt 403.900 tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Kết quả trên có được là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2/2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với nửa đầu năm ngoái.
Châu Á là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nhập khẩu quế của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 245 tấn với kim ngạch đạt 0,7 triệu USD, giảm 13,1% về lượng so với tháng 6.
Về cơ cấu thị trường, châu Á là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam đạt 148 tấn và 54 tấn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu 2.979 tấn quế, kim ngạch đạt hơn 7,1 triệu USD, so với cùng kỳ lượng nhập khẩu đã giảm đến 75,2%. Trong đó nhập khẩu từ Indonesia đạt 1.299 tấn và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 1.242 tấn.