Kinh tế Hà Nội tăng trưởng 6,12% trong 9 tháng năm 2024
Trong quý III và 9 tháng năm 2024, kinh tế Hà Nội tiếp tục duy trì tăng trưởng, phục hồi rõ nét. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP ước tính tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 376.430 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,54 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá vàng trong nước đồng loại tăng mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 22/10 giao dịch ở mức 2,719.45 USD/ounce, giảm 0,07 USD/ounce so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 22/10, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). So với đầu phiên giao dịch trước, giá vàng tại DOJI tăng 1 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). So với đầu phiên giao dịch trước, giá vàng tại Bảo Tín Minh Châu tăng 1 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 86,1 - 87,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra); tăng 1,4 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên hôm 21/10.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng tròn trơn ở ngưỡng 86,08 - 87,08 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra); tăng 1,4 triệu đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra.
Việt Nam nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến
Thống kê của Hiệp hội rau quả Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta ước đạt 2,5 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước khoảng 2,3 tỷ USD.
Nhưng ở chiều ngược lại, nước ta cũng chi gần 9 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tăng đột biến 1.057%, tức gấp khoảng gần 11,6 lần.
Thị trường thực phẩm và đồ uống tăng mạnh
Theo số liệu của Euromonitor, doanh thu thị trường ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng tới giá trị đạt hơn 655.000 tỷ đồng vào năm 2024.
Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành thực phẩm, đồ uống sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023 - 2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị 870.000 tỷ đồng vào năm 2027.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì vị trí dẫn đầu thị trường
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực của Việt Nam (VFA), sau một tuần giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh giảm, ngày 18/10 giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang đứng lại ở mốc 534 USD/tấn, không thay đổi so với phiên trước đó, đặc biệt giá gạo xuất của nước ta vẫn cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan tới 30 USD/tấn. Hiện vẫn đang giữ vị trí đắt nhất thế giới.
Như vậy giá gạo của Việt Nam có điều chỉnh giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới nhưng vẫn đang duy trì được mốc là 530 USD/tấn, mốc mà theo các chuyên gia đánh giá vẫn hài hòa được lợi ích của người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Cùng chủng loại là gạo 5% tấm nhưng theo chuyên gia, chất lượng gạo của Việt Nam có ưu thế hơn về độ ngon và mới nên hợp khẩu vị người tiêu dùng hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm cũng là giai đoạn gia tăng nhu cầu của các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore.