Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế ngày 30/6/2024: Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng nhẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp; Việt Nam đã chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo; Tín dụng kinh tế tăng 4,45% trong 6 tháng đầu năm 2024… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 30/6.

Giá vàng nhẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Giá vàng thế giới trong ngày 30/6 giao ngay ở 2.325,1 USD/ounce, ổn định so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 30/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn trong tuần vừa qua đã đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp, niêm yết giá giao dịch tại các doanh nghiệp vàng quanh mức 73,95 - 75,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). So với giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, đã tăng 250.000 đồng/lượng.

Việt Nam đã chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo

Trong nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, rau quả, cà phê), đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao.

Tin tức kinh tế ngày 30/6/2024: Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 30/6/2024: Việt Nam chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo. Ảnh minh hoạ.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, gạo nằm trong top 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại cao khi đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm nay, nước ta phải chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.

Tín dụng kinh tế tăng 4,45% trong 6 tháng đầu năm 2024

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến 24/06/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%, cao hơn mức tăng cùng thời điểm năm ngoái (3,83%).

Đây là lần đầu tiên tín dụng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trong 6 tháng vẫn thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 5-6%.

Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã “bơm” ra thị trường hơn 603.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý II, số tiền được đẩy ra nền kinh tế là 422.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc.

Giá heo hơi là một trong các nguyên nhân đẩy CPI tháng 6 tăng 0,17%

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.

CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Gần 119.600 doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động trong 6 tháng

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Theo đó, bình quân 1 tháng có 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính riêng tháng 6, cả nước có 15.700 doanh nghiệp thành lập mới; hơn 7.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 5.418 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.404 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 2.228 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110.300 doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngoài ra, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy, có 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I. Dự kiến quý III sẽ có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II.