Giá vàng tiếp tục lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 31/5 giao ngay ở mức 2.342,51 USD/ounce, chênh lệch 8,1 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 31/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 83 – 87 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm mạnh 3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm mạnh 2 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 85,05 – 85,95 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm mạnh 2 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 74,63 – 76,03 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Xuất khẩu gạo được gần 4,2 triệu tấn
5 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị. Năm nay, dự kiến nước ta sẽ xuất khẩu từ 7,5 - 8 triệu tấn gạo. Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng ở mức cao.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, nhu cầu lương thực nhiều quốc gia tăng mạnh, Việt Nam đã khai thác hiệu quả kinh tế ngành hàng lúa gạo. Xuất khẩu gạo liên tục tăng, không chỉ về sản lượng mà giá trị cũng đạt ở mức cao.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện 1 số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng.
Các ngân hàng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Gần 2 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản trong 5 tháng năm 2024
Theo báo cáo mới đây về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài trong tháng 5 của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đang tăng mạnh.
Chỉ tính đến ngày 20/5, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên 2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 11,07 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 8,25 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tính lũy kế đến ngày 20/5, hiện cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 481,33 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài đã chiếm gần 63% tổng số vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực, ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD.
Hiện ngành kinh doanh bất động sản đang đứng vị trí thứ 2 thu hút nguồn vốn FDI (chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Với tổng số vốn đầu tư đạt gần 1,98 tỷ USD, chiếm gần 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2023.
7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD
5 tháng đầu năm 2024, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.