Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế ngày 8/6/2024: giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng bất ngờ giảm sốc; Việt Nam xuất khẩu 951 tấn hoa hồi sang thị trường Ấn Độ; giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 3 liên tiếp… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 8/6.

Giá vàng bất ngờ giảm sốc

Giá vàng thế giới trong ngày 8/6 giao ngay ở mức 2.291,2 USD/ounce, so với phiên giao dịch ngày hôm qua giảm hơn 84 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 8/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 73,38 – 74,68 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 5/2024 tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh giá sản phẩm từ sữa và giá ngũ cốc tăng cao hơn so với mức giảm của giá đường và dầu thực vật.

Tin tức kinh tế ngày 8/6/2024: giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 8/6/2024: giá lương thực thế giới tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Ảnh minh hoạ.

Chỉ số giá của FAO theo dõi hầu hết hàng hóa lương thực giao dịch trên toàn cầu. Trong tháng trước, chỉ số này đạt mức trung bình 120,4 điểm, tăng 0,9% so với tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số giá lương thực tháng 5/2024 thấp hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 2, chỉ số giá của FAO đã xuống thấp nhất 3 năm trong bối cảnh giá lương thực tiếp tục giảm so với mức cao kỷ lục thiết lập tháng 3/2022, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát.

Việt Nam xuất khẩu 951 tấn hoa hồi sang thị trường Ấn Độ

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 5 đạt 1.560 tấn với trị giá khoảng 7,2 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng trước đó. Ấn Độ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hoa hồi lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 61% sản lượng xuất khẩu với 951 tấn. Prosi Thăng Long và Tuấn Minh là 2 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng 5 với 241 tấn và 101 tấn.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.475 tấn hoa hồi với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 29,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 19,4% thị phần với 1.064 tấn. Theo sau là các doanh nghiệp Tuấn Minh 300 tấn, Nedspice Việt Nam 277 tấn, Senspices 216 tấn và Hồng Sơn Việt Nam với 195 tấn.

5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng 25%

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 5/2024 ước tính đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 15,6% so với thực hiện tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn NSNN cấp thành phố 1.909 tỷ đồng, tăng 25,4% và tăng 19,8%; vốn NSNN cấp huyện 2.543 tỷ đồng, tăng 8,5% và tăng 24,8%; vốn NSNN cấp xã 234 tỷ đồng, tăng 25,3% và tăng 68,1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 18.700 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 24% kế hoạch năm 2024, trong đó: Vốn NSNN cấp thành phố 7.400 tỷ đồng, tăng 13,9% và đạt 20,6%; vốn NSNN cấp huyện 10.400 tỷ đồng, tăng 32,5% và đạt 27%; vốn NSNN cấp xã 900 tỷ đồng, tăng 50,6% và đạt 25,8%.

Năm 2024, TP. Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, gồm 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205.500 tỷ đồng có kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng và kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1.100 tỷ đồng. Trong số đó, lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Thu hồi giấy phép kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xăng dầu

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của 16 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp này trả lại giấy chứng nhận, bao gồm doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối, cụ thể là đáp ứng về số cửa hàng sở hữu hoặc đi thuê, hoặc không đáp ứng được điều kiện về kho chứa xăng dầu. Năm ngoái, có những thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu trên cả nước lên đến hơn 330 thương nhân, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 300 thương nhân.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu báo cáo về việc duy trì điều kiện làm thương nhân theo quy định. Các doanh nghiệp này sau khi chủ động rà soát, nhận thấy mình không đủ điều kiện nên đã chủ động trả lại giấy chứng nhận để Bộ thực hiện thu hồi. Con số các doanh nghiệp phân phối xăng dầu buộc phải rời khỏi thị trường năm nay có phần cao hơn mọi năm.