Giá vàng nhẫn bất ngờ lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 9/7 giao ngay ở 2.365,4 USD/ounce so với phiên cùng giờ ngày hôm qua giảm hơn 19 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 9/7, giá vàng SJC trong nước tiếp tục ghi nhận sự bất động với giá ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Trong khi vàng miếng SJC tiếp tục bất động, vàng nhẫn hôm nay tại một số thương hiệu vàng đã có sự điều chỉnh giảm theo xu hướng đi xuống của giá vàng thế giới. Theo đó, tại Tập đoàn DOJI giá vàng nhẫn 9999 được niêm yết ở mức 75,15 – 76,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, tại PNJ giá vàng nhẫn hiện ở mức 74,3 – 75,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua và 200.000 đồng/lượng chiều bán so với ngày hôm qua.
Giá nhãn Sơn La cao kỷ lục, hơn 50.000 đồng/kg
6 tháng đầu năm 2024, sản lượng nhãn đã thu hoạch và tiêu thụ của tỉnh Sơn La khoảng 718 tấn quả, giá trị ước đạt 27,5 tỷ đồng, chủ yếu là nhãn trái vụ tại huyện Sông Mã, giá bán nhãn trái vụ trung bình đạt 40-50.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, giá nhãn Sơn La tiếp tục tăng, loại đẹp đạt gần 55.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, Hợp tác xã Phúc Vinh, bản Cánh Kiến, xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã) đã thu hoạch hơn một nửa sản lượng. Hiện, giá nhãn tại vườn được thương lái thu mua 50.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái.
Loại nhãn đẹp, quả to, cùi dầy được bán với giá 53 – 54.000 đồng/kg. Một thương lái buôn nhãn từ Sơn La xuống phân phối tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), cho biết giá phân phối cho các tiểu thương ở địa bàn này được bán trong khoảng 55 – 60.000 đồng/kg. Năm nay, vụ nhãn mất mùa nên họ phải đẩy mạnh mua gom tại nhiều địa bàn ở Sơn La mới đủ 3-4 tấn/ngày để phân phối đến Hà Nội.
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt hơn 200.000 tỷ đồng
Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 6/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 64,12 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 0,88 tỷ USD) so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu trong tháng đạt 33,66 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,39 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu trong tháng đạt 30,46 tỷ USD, giảm 6,9% (tương ứng giảm 2,27 tỷ USD) so với tháng trước. Cán cân thương mại trong tháng 6/2024 xuất siêu 3,2 tỷ USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, theo số liệu sơ bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam 6 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.
Thông tin về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Hải quan cho hay, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6/2024 đạt 33.291 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước. Lũy kế tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán được giao, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023..
Xuất khẩu nghêu sang EU có xu hướng tăng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 17,7 triệu USD nhuyễn thể có vỏ, tăng 10,6% so với tháng trước đó. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 63,7 triệu USD, tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu các nhóm mặt hàng chính như nghêu, hàu, ốc và sò điệp đều tăng so với cùng kỳ.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là nghêu luộc đông lạnh sang các nước EU, chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là thịt nghêu đông lạnh.
CIEM dự báo kịch bản cao cho tăng trưởng năm 2024 là 6,95%
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu CIEM tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức sáng 9/7, tại Hà Nội, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương CIEM đã đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Theo đó, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Kịch bản 2, tích cực hơn, dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.