Giá vàng nhẫn bật tăng
Giá vàng thế giới trong ngày 9/8 giao ngay ở 2.420.5 USD/ounce, giảm 6,85 USD so với giá vàng sáng nay.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 9/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 76,28 - 77,48 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Dự báo lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán Shinhan dự báo, rất có khả năng tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm. Nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi.
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động tiền đồng thời gian tới không thể hạ nhiệt, một phần vì cầu tín dụng tăng, một phần vì NHNN sẽ duy trì lãi suất liên ngân hàng ở nền cao (4 - 5%) nhằm hạn chế găm giữ, đầu cơ tỷ giá. Lãi suất liên ngân hàng cao sẽ tác động đến thanh khoản hệ thống, làm tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.
Báo cáo phân tích của MBS cũng dự báo, lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2 - 5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế bia, rượu
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Quốc Việt, các phương án điều chỉnh thuế suất của Bộ Tài chính chưa rõ khả năng tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nếu xem xét chung với các nguồn thu khác như thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân.
Trong điều kiện môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước Covid-19, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi kết quả đạt được liệu có phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan.
Chuyên gia cũng đề xuất chỉ tăng thuế 1 lần vào năm 2026, sau đó giãn cách 2-3 năm để có thời gian đánh giá lại các mục tiêu lẫn tác động khác nhau thay vì tăng tuyệt đối vào năm 2030.
Việt Nam xuất khẩu hơn 5.400 tấn hoa hồi sang thị trường Ấn Độ
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu được 1.662 tấn hoa hồi, kim ngạch đạt 7,8 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu tăng 7,4%.
Thị trường xuất khẩu hoa hồi chủ yếu là Ấn Độ đạt 1.062 tấn, chiếm 63,9%, trong khi đó Prosi Thăng Long vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu đạt 309 tấn, chiếm 18,6% và tăng 45,1% so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 8.685 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 5,1% tuy nhiên kim ngạch lại giảm 17,1%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm 63,0%, đạt 5.472 tấn và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ: 601 tấn, tăng 7,9%; Đài Loan (Trung Quốc) : 276 tấn, tăng 228,6%; Trung Quốc: 259 tấn, giảm 63,4%
Việt Nam có thể thu về hơn 5 tỷ USD nhờ thu phí ETC vào năm 2030
Theo báo cáo, thị trường ETC toàn cầu tăng trưởng đáng kể - từ 7 tỷ USD năm 2020, lên hơn 9,2 tỷ USD năm ngoái. Dự kiến đến năm 2029, nếu vẫn giữ được tốc độ tăng 8,1% mỗi năm, thị trường này sẽ đạt quy mô khoảng 14,7 tỷ USD, chủ yếu nhờ áp dụng công nghệ ETC tại các tuyến cao tốc (chiếm khoảng 90% thị trường).
Việt Nam có 1.290 km đường cao tốc vào cuối 2021 và dự kiến tăng lên 5.000 km vào 2030. Quá trình này cũng gắn liền với việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang hệ thống ETC trên các tuyến quốc lộ, cao tốc từ năm 2019 tới nay. Năm ngoái, công nghệ này được triển khai trên toàn tuyến cao tốc, giúp Việt Nam có thể hưởng lợi hơn 442 triệu USD. Việc này được đánh giá qua 4 thước đo, gồm năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành. Lũy kế 5 năm qua, con số này là khoảng 1 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, đến năm 2030, công nghệ ETC có thể mang đến tổng giá trị kinh tế gần 5,3 tỷ USD cho Việt Nam. Trong đó, chi phí nhiên liệu tiết kiệm được gần 950 triệu USD, nhân công giảm khoảng 2,2 tỷ USD và tiết kiệm hơn 1,6 tỷ USD từ tuổi thọ phương tiện.