Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức thế giới hôm nay 16/1: Tiếp bước Mỹ, Nga khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga xúc tiến các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở; Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất thế giới… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 16/1.

Nga xúc tiến các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ xúc tiến thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các máy bay do thám không có vũ trang bay trên lãnh thổ các nước tham gia hiệp ước.
Nga xúc tiến các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Nga viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước Bầu trời Mở sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước vào năm ngoái. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moscow sẽ bắt đầu xúc tiến các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước này.
Trước đó, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 22/11/2020, 6 tháng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ý định ngừng tham gia hiệp ước này.
Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19
Ngày 16/1, Ấn Độ chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó, giai đoạn 1 của chiến dịch bắt đầu từ sáng 16/1 trên toàn quốc.
Ấn Độ khởi động chương trình tiêm phòng vaccine lớn nhất thế giới.
Với dân số 1,3 tỷ người, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại Ấn Độ có thể coi là một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới.
Trong đợt đầu tiên của chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 cho toàn dân, Chính phủ Ấn Độ sẽ tiêm phòng cho khoảng 300 triệu người là nhân viên y tế và những người làm việc trong các ngành dịch vụ ở tuyến đầu.
Chính phủ Ấn Độ coi việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho toàn dân là giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay do đại dịch này gây ra. Hiện tại, Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã là 10,5 triệu, trong đó, hơn 152.000 người đã tử vong.
Đảng cầm quyền CDU tại Đức họp bầu lãnh đạo mới
Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - chính đảng cầm quyền lớn nhất tại Đức hôm nay (16/1) tổ chức đại hội trực tuyến để bầu chọn Chủ tịch mới, người có nhiều cơ hội để thay thế bà Angela Merkel trong cương vị Thủ tướng Đức vào mùa Thu 2021.
3 ứng cử viên cho chức Chủ tịch đảng CDU.
Sau hai lần trì hoãn vì đại dịch Covid-19, Đại hội đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) sẽ được tổ chức trong ngày 16/1. Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 tại Đức vẫn đang rất nghiêm trọng nên đại hội lần này sẽ được tổ chức trực tuyến.
Tham gia cuộc đua vào chức Chủ tịch CDU có 3 ứng cử viên, đều là nam giới, gồm ông Friedrich Merz, cựu Chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU-CSU và là một doanh nhân; ông Armin Laschet, Thủ hiến bang Bắc Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất tại Đức và ông Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Nghị viện Liên bang Đức, một đồng minh thân cận của bà Angela Merkel.
Anh siết chặt kiểm soát biên giới và đóng cửa hành lang du lịch
Chính phủ Anh tối 15/1 quyết định đóng cửa hành lang du lịch, siết chặt các biện pháp quản lý biên giới khi yêu cầu mọi hành khách nhập cảnh phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 và phải cách ly trong vòng 10 ngày.
Anh siết chặt kiểm soát biên giới và đóng cửa hành lang du lịch.
Theo quyết định được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố trong buổi họp báo tối ngày 15/1, kể từ 4 giờ sáng ngày 18/1 (theo giờ GMT), tất cả mọi hành khách muốn nhập cảnh vào Anh sẽ phải xuất trình một chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi đặt chân đến Anh, hành khách sẽ tiếp tục phải cách ly trong vòng 10 ngày. Thời gian cách ly sẽ được rút ngắn xuống còn 5 ngày nếu sau 5 ngày đó hành khách tiếp tục được xét nghiệm âm tính.
Thủ tướng Anh cũng tuyên bố, nước này tạm thời ngưng tất cả mọi thỏa thuận liên quan đến hành lang du lịch đã dàn xếp trước đó với các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là các nước châu Âu.
Trước đó, hôm 14/1 chính phủ Anh cũng đã ra lệnh cấm các chuyến bay đến từ Brazil và Bồ Đào Nha do lo ngại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Brazil.