Tin tức thế giới hôm nay 29/9: Tổng thống Pháp ra tối hậu thư cho Nga vì vụ ông Navalny

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Pháp cảnh báo Nga về 'hậu quả quốc tế' vụ Navalny; Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc họp khẩn về xung đột tại Nagorny-Karabakh… là những tin quốc tế nổi bật trong ngày 29/9.

Tổng thống Pháp cảnh báo Nga về 'hậu quả quốc tế' vụ Navalny
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 28/9 cho biết, Nga nên cung cấp thông tin để làm sáng tỏ vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả quốc tế.
Tổng thống Pháp cảnh báo Nga về hậu quả quốc tế vụ Navalny.
Tuy nhiên, chủ nhân Điện Élysée không nói rõ những hậu quả khả dĩ mà giới chức Moscow phải đối mặt là gì, theo hãng tin Reuters. Đức khẳng định họ có bằng chứng được các nhà khoa học Pháp và Thụy Điển hậu thuẫn rằng ông Navalny đã bị ám hại bằng chất độc thần kinh Novichok.
"Đây rõ ràng là một âm mưu giết người được thực hiện trên đất Nga, nhằm chống lại một thủ lĩnh đối lập Nga với một tác nhân hóa học được xử lý khéo léo ở Nga” - Tổng thống Macron nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô Vilnius của Lithuania.
Ông Macron nói thêm rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải quyết định về hậu quả dựa trên thông tin do Nga cung cấp hay không cung cấp cho một cuộc điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về xung đột tại Nagorny - Karabakh
Các nguồn tin ngoại giao ngày 28/9 cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp heo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorny - Karabakh, khu vực đang xảy ra tình trạng giao tranh dữ dội kể từ cuối tuần qua.
 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về xung đột tại Nagorny-Karabakh.

Theo các nguồn tin, Đức và Pháp là các quốc gia đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trên, song các quốc gia châu Âu khác hiện giữ cương vị thành viên tại Hội đồng Bảo an LHQ - gồm Bỉ, Anh và Estonia, cũng ủng hộ động thái này.
Trước đó nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn.
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh đã bùng phát. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.
Nagorny - Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
EU - Anh bước vào vòng đàm phán cuối đầy căng thẳng
Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh ngày 29/9 bắt đầu vòng đàm phán thứ chín và cũng là cuối cùng, dự kiến sẽ thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit).
Cuộc đàm phán trong bốn ngày sẽ tập trung vào những vướng mắc chính còn tồn tại như cạnh tranh công bằng hay đánh bắt cá.
 Các trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh và EU.
Ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán của EU và người đồng cấp Anh, David Frost, cũng sẽ theo sát các cuộc thảo luận về những chủ đề khác như thương mại hàng hóa và dịch vụ, năng lượng và hợp tác tư pháp.
Liên quan đến cạnh tranh công bằng, EU muốn nước Anh cam kết và đảm bảo rằng các quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ Nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU, ngay từ khi Vương quốc Anh tiếp cận thị trường châu Âu với tư cách là một nước bên ngoài khối.
Về phía mình, Chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này.
Cả hai bên tuyên bố rằng họ đang hướng tới cùng một mục tiêu, đó là có một thỏa thuận vào cuối tháng 10 để cho phép tiến trình phê chuẩn của Quốc hội diễn ra, cả ở EU cũng như tại Anh. Trong các giai đoạn trước của Brexit, quá trình này đã bị chậm trễ đáng kể do Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ.
Mỹ, Hàn Quốc nỗ lực thúc đẩy biện pháp ngoại giao với Triều Tiên
Ngày 28/9, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun khẳng định Washington và Seoul vẫn quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại với Bình Nhưỡng.
Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon (trái) và người đồng cấp Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon, ông Biegun nêu rõ: "Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục nỗ lực thực hiện biện pháp ngoại giao để đạt được nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, hướng tới phi hạt nhân hóa, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho tất cả người dân Triều Tiên và thiết lập trạng thái bình thường trong mối quan hệ của Mỹ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Tuy nhiên, ông Biegun cũng cho rằng Washington và Seoul không thể đạt được những mục tiêu trên, mà cần có sự tham gia của Bình Nhưỡng. Cả Mỹ và Hàn Quốc đều để ngỏ khả năng thảo luận khi Triều Tiên sẵn sàng./.