Tin vui cho người đi xuất khẩu lao động

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suy nghĩ của nhiều người lâu nay: đi xuất khẩu lao động là để kiếm tiền, kiếm một số vốn; nếu thuận lợi thì ở nước ngoài làm ăn lâu dài, không thì về nước. Người đi làm chỉ nghĩ đơn giản như vậy. Họ hầu như không băn khoăn điều gì cả.

Thế nhưng, thông tin trên báo chí mới đây cho biết: kể từ tháng 1 năm nay, người Việt Nam khi đi lao động tại Hàn Quốc sẽ được tính gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, cơ sở cho việc tính lương hưu sau này… Giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định về bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động của hai quốc gia.

Đây là niềm vui của những người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Số người lao động sang Hàn Quốc hằng năm có thể lên đến hàng chục ngàn.

Thế nhưng, nếu chỉ mới có người lao động Hàn Quốc là được hưởng bảo hiểm xã hội như nói ở trên thì niềm vui chưa được trọn vẹn. Bởi, rất nhiều thị trường lao động khác có sự tham gia của người Việt Nam, như: Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)… hiện chưa có thông tin gì về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở những thị trường này.

Trước đây, người xuất khẩu lao động thường được mua một gói “Bảo hiểm xuất khẩu lao động” như là một phần bắt buộc trong bộ hồ sơ làm việc. Nhưng bảo hiểm này chủ yếu là để chi trả cho các lĩnh vực y tế, ốm đau, tai nạn… chứ không phải về chế độ hưu trí.

Một chị từng đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) về nước cách nay mấy năm nói: “Tôi chỉ biết lương tháng chừng đó, chứ không hề nghe việc bảo hiểm xã hội gì cả. Tôi đi làm ở nước ngoài vì lương cao hơn trong nước thôi, chưa nghĩ đến những quyền lợi khác”.

Một chuyên gia kinh tế bình luận về chuyện đóng bảo hiểm cho người xuất khẩu lao động: “Hoan hô chuyện này. Vì luật lao động ở nước nào cũng vậy, chủ sử dụng lao động phải đóng 1 phần lớn bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các nước càng phát triển văn minh càng chặt chẽ. Trước giờ vẫn có lo ngại: còn trẻ thì ra nước ngoài bán sức, đến lúc có tuổi, nhiều bệnh tật quay về lại Việt Nam, thì lại thành gánh nặng cho Việt Nam”.

Chuyên gia kinh tế này còn băn khoăn rằng, không lẽ những nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản… lại không quan tâm đến bảo hiểm xã hội cho người lao động, dù họ là người nước ngoài?

Băn khoăn vẫn còn đó. Tuy nhiên, với sự “mở màn” ở thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, những bước đi tiếp theo trở nên suôn sẻ, lao động
Việt Nam ở các nước khác đều được tham gia bảo hiểm xã hội. Có như vậy, người lao động yên tâm làm việc hơn, sau thời hạn lao động, khi về nước họ sẽ góp phần sức lực, kinh nghiệm làm việc cho các công ty ở trong nước tốt hơn.

Niềm vui như thế sẽ nối dài…