Tin vui về chiều cao con người Việt Nam

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xem các trận đấu bóng Việt Nam với các đội châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc..., điều dễ nhận biết là các cầu thủ của chúng ta có thể hình thua kém đội bạn.

Chúng ta cũng thường than thở, giá mà cầu thủ Việt Nam cao to hơn, khỏe hơn... Chúng ta ước những Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn... cao hơn, khỏe hơn.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã có sự thay đổi, nhiều cầu thủ thuộc tuyển Việt Nam đã cao 1,8m trở lên, điều trước đây rất hiếm, “lênh khênh” như Lê Huỳnh Đức cũng chỉ 1,78m.

Tương ứng với tình hình của các tuyển thủ bóng đá, Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết cơ quan này vừa công bố báo cáo mới nhất về Chỉ số Phát triển con người (HDI) toàn cầu, trong đó xếp Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao.

Những năm 90 của thế kỷ trước, UNDP đã đưa ra chỉ số phát triển con người của Việt Nam là thấp, nhưng điều đáng mừng là chúng ta đã liên tục tiến bộ trong suốt 30 năm qua. Giá trị HDI của Việt Nam năm 2022 là 0,726 - đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%...

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không phải nỗ lực để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi (nay còn có thể béo phì). Theo Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao, 19,6% và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng miền núi so với thành thị và nông thôn. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm.

Với vài con số như trên để thấy, việc cải thiện thể trang chung, trong đó chiều cao cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đã có những chuyển biến tốt nhưng cần tăng cường hơn nữa.

Ai cũng biết, phát triển chiều cao của một con người dựa trên 3 yếu tố: gen, chế độ dinh dưỡng và vận động, rèn luyện thể dục - thể thao. Yếu tố gen là khó thay đổi; hai yếu tố sau có thể can thiệp.

Trước đây thanh niên Nhật Bản khá lùn nhưng với những chính sách can thiệp đúng về dinh dưỡng và vận động, thanh niên Nhật đã tăng chiều cao đáng kể. Trong 40 năm thực hiện chính sách này, Chính phủ Nhật Bản đã nâng chiều cao trung bình của người dân lên 10cm, đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ.

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều như Nhật Bản đã làm. Chính phủ ta, Bộ Y tế..., cũng đã có nhiều chính sách đúng để giúp giảm tỷ lệ thấp còi và béo phì ở trẻ em.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các chính sách có thể chưa đồng đều, chưa phủ kín. Nhiều trường học nay gần như không có không gian vận động. Một phụ huynh vừa hỏi con của mình đang học trường nghề theo hệ 9 +: “Lớp con có giờ học thể dục không?”. Cháu trả lời là chỉ học văn hóa và học nghề, không học thể dục.

Nhiều nơi học sinh còn ăn chưa đủ dinh dưỡng, nhất là vùng rừng núi.