“Tình biển nghĩa sông” của nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu: Sâu đậm tình yêu quê hương, đất nước

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 50 năm ra đời tập thơ “Tình biển nghĩa sông”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tái xuất tập thơ của nhà văn, nhà báo Hoàng Thoại Châu. Những lời thơ được viết ra từ những gì mà tác giả đã thấy, đã nghe và đã sống… vẫn còn nguyên giá trị, đó là tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng.

Giải Nhất ngoạn mục
Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy dẫn dụ câu thơ “Khóc tình như khóc quê hương” trong bài thơ “Đóa hoa đại buồn” in trong tập “Tình biển nghĩa sông” của Hoàng Thoại Châu và bày tỏ: Câu thơ như lời nói thường mà hay đến lạ lùng.
“Tưởng đâu khóc tình là tiếng khóc ảo não nhất rồi, nhưng khóc quê hương mới muôn phần xót xa, đau đớn!” – Bùi Quang Huy nhận xét. Tập thơ “Tình biển nghĩa sông” được xin giấy phép xuất bản năm 1969, nhưng chính vì một phần của tập thơ ngợi ca tình yêu nước, nghĩa đồng bào, chống chiến tranh xâm lược, đòi hòa bình, thống nhất đất nước nên Nha kiểm duyệt của chính quyền ngụy quân, ngụy quyền không đồng ý cấp phép. Tác giả đã qua mắt nhà cầm quyền, lấy giấy phép của tập “Áo trắng ngày xưa” thêm chữ BIS để xuất bản “Tình biển nghĩa sông”.
 Nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu và tác phẩm ''Tình biển nghĩa sông''.
Tập thơ đã được gửi dự thi giải Văn học nghệ thuật năm 1967 - 1969 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và đoạt giải Nhất. Đây là giải quốc gia với giám khảo gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nghệ thuật nổi tiếng tại miền Nam lúc bấy giờ như: Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân…
Theo lời kể của tác giả Hoàng Thoại Châu: “Ngày trao giải thưởng tại Dinh Độc Lập, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã kín đáo kéo tay tôi ra phòng khánh tiết, nói khẽ: Nên cân nhắc suy nghĩ nếu có ai hỏi về bài thơ “Mặt trời ngủ yên” in trong tập thơ “Tình biển nghĩa sông”. Nghe nói thế, tôi giật thót người. Thì ra, Vũ Hoàng Chương, kể cả thi sĩ Bàng Bá Lân đã biết tinh thần của bài thơ nhưng vẫn quyết định trao giải. Đó là một sự lạ”.
Bài thơ “Mặt trời ngủ yên” có những câu thơ như sau: “Vũ trụ chuyển mình/Địa cầu rung động/Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/Bây giờ:/ Ba - chín - sáu - chín - mặt -trời - ngủ - yên”. Nhà thơ giải thích, 3/9/69 đó là ngày tháng năm đồng bào ở miền Nam hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Một bài thơ tưởng niệm Bác Hồ đã xuất hiện, in ấn công khai trong tập thơ được chính quyền Sài Gòn trao giải thưởng là một sự ngoạn mục. Nhưng để đạt được kết quả này, tác giả vẫn ghi nhớ tấm lòng và thiện chí của chủ khảo – nhà thơ Vũ Hoàng Chương lúc đó.

Đúng 50 năm sau khi ra đời, cuối năm 2019, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã ấn hành “Tình biển nghĩa sông” được đông đảo độc giả yêu thơ đón nhận.
“Những vần thơ được viết từ thập niên 1960 đã đến với công chúng hôm nay. Theo tôi, những bài thơ của anh không cũ, vẫn mới, vẫn gắn liền với nhịp sống hiện tại và cả sau này nữa, bởi lẽ, chủ đề xuyên suốt anh hướng tới vẫn là tình yêu quê hương, non sông đất nước. Chính vì tình yêu máu thịt đó mà con người ta hăng hái xả thân chống ngoại xâm” – nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét.
Từ nhà thơ sang nhà báo
Nhà thơ Hoàng Thoại Châu sinh năm 1942, tên thật là Huỳnh Tiên. Ông từng được độc giả rất yêu thích với bút danh Ba Thợ Tiện trên các ấn phẩm báo chí. Ông làm thơ từ năm 17 – 18 tuổi khi còn đang học tại Quảng Nam. Ông cũng là cây bút đam mê văn chương, với rất nhiều tác phẩm: “Những trái tim hồng” (tập truyện ngắn, in ở Hướng Dương, xuất bản năm 1973). Một tập truyện ngắn khác có tên “Khói cỏ ngoài đồng” thời ấy cũng được giới thiệu sẽ in ở nhà in Hướng Dương nhưng chưa xuất bản thì một số văn nghệ sĩ Hướng Dương bị bắt trong vụ án “Văn nghệ quán Mù U” xôn xao dư luận.
Nhóm Hướng Dương là nhóm cất tiếng nói chống chiến tranh, đòi hòa bình, thống nhất. Vụ án “Văn nghệ quán Mù U” đã cho thấy một lớp sinh viên - học sinh Sài Gòn dám đương đầu với bạo lực, với hiện thực của đời sống, chứ không chui vào “tháp ngà văn chương” với những vần thơ than mây khóc gió.
Nói về thơ Hoàng Thoại Châu bấy giờ, nhà thơ Sơn Nam đã nhận định: “Trên cương vị của một nghệ sĩ, Hoàng Thoại Châu đã lên tiếng để ca ngợi cho cờ dân tộc đang tung cao”. Nhà thơ Phương Đài cảm nhận: “Lời thơ đó có mang chất lửa hâm nóng niềm tin day dứt của những người con Việt trước sự đổ vỡ của quê hương”.
Còn nhà thơ Kiên Giang từng nhận xét: “Thơ Hoàng Thoại Châu không lên án chiến tranh bằng những “lời thơ gây tiếng nổ” mà bằng hơi thở và âm thanh nhẹ nhàng, vì bản tính của thi sĩ không tách rời đặc tính hiền hòa của người Việt Nam”. Và dù ở cương vị là nhà thơ hay nhà báo thì Hoàng Thoại Châu hay Ba Thợ Tiện đều để lại những dấu ấn của một đời cống hiến cho sự nghiệp cầm bút, đấu tranh cho lẽ phải, cho giá trị chân chính.