70 năm giải phóng Thủ đô

Tính dân tộc, đại chúng giúp kiến trúc phát triển bền vững

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến trúc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, của kinh tế, văn hóa và chính trị nên kiến trúc cũng phải thay đổi....

Với Kiến trúc, một ngành nghệ thuật đặc thù kết hợp giữa sáng tạo và khoa học kỹ thuật để tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững, văn hóa và nhân văn cho con người, cho cộng đồng thì những nguyên tắc cơ bản, có tính then chốt là “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa” được đề ra trong bản Đề cương lịch sử này như là kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo của giới kiến trúc sư (KTS) ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến cứu nước cho đến khi nước nhà thống nhất và xây dựng đất nước hôm nay. Tại sao lại như vậy? Bởi kiến trúc là một phần của văn hóa. Kiến trúc hình thành và phát triển trên cái nền kinh tế, văn hóa, chính trị của chế độ đương thời.

Kiến trúc chứa đựng trong đó lịch sử phát triển của dân tộc hàng bốn ngàn năm từ thuở sơ khai với những ngôi nhà đơn sơ, mái nhà như cái thuyền úp ngược; những quần cư nông nghiệp với “Làng” là nhân tố, rồi đến những đô thị hiện đại, những vùng nông thôn mới… của ngày hôm nay. Chính vì thế, kiến trúc là tấm gương phản ánh thời đại.

Kiến trúc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, của kinh tế, văn hóa và chính trị nên kiến trúc cũng phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc, của Nhân dân, của đất nước cũng như tham gia vào sự phát triển các xu hướng kiến trúc tiến bộ trên thế giới. Những nguyên tắc cơ bản trên của Đề cương về văn hóa Việt Nam 5 năm sau cũng được thể hiện sâu sắc trong thư Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (ngày 27/4/1048) tại Chiến khu Việt Bắc.

Kiến trúc tòa nhà D2 Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh
Kiến trúc tòa nhà D2 Giảng Võ. Ảnh: Hải Linh

80 năm đã đi qua kể từ khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời và 75 năm Bác Hồ gửi thư cho KTS, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi hy sinh, khó khăn, gian khổ, giành tự do độc lập, xây dựng đất nước để phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa mạnh mẽ.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, kiến trúc Việt Nam cũng phát triển nhanh cả về lượng và chất. Từ hơn 30 KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đến nay đội ngũ KTS cả nước đã lên tới hơn 20.000 người. Sáng tạo của giới KTS và đóng góp to lớn của ngành xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị - nông thôn nước ta theo hướng văn minh - hiện đại và bản sắc.

Hàng ngàn vạn công trình kiến trúc mới hiện đại với nhiều loại hình khác nhau như nhà ở, chung cư cao tầng, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, trụ sở công quyền, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, thể thao, nhà hát, công viên… được xây dựng trên khắp 890 đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đấy là một khối lượng vật chất khổng lồ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo cuộc sống bình an, hạnh phúc cho Nhân dân.

Với việc ra đời Luật Kiến trúc (2019), vai trò của kiến trúc và vị thế của KTS càng được khẳng định trong sự nghiệp xây dựng đất nước ở thời kỳ phát triển mới. Các xu hướng kiến trúc tiến bộ mà nhân loại hướng đến như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc tiết kiệm năng lượng... cũng đang dần được áp dụng vào trong sáng tác của KTS qua sự cổ vũ, động viên của Hội KTS Việt Nam được nhiều nhà đầu tư bất động sản và cộng đồng quan tâm. Đây là điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, do phát triển nhanh về số lượng và trên diện rộng nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và tăng trưởng nền kinh tế, kiến trúc Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém trong thiết kế và trong quản lý xây dựng. Quy hoạch đô thị còn thiếu tầm nhìn chiến lược, gây hệ lụy cho đời sống xã hội. Nhiều công trình kiến trúc có hình thức kệch cỡm, phô trương, lãng phí, phi bản sắc, ngoại lai, nhại cổ...

Nông thôn Việt Nam bình dị với con đê, bến nước, sân đình, lũy tre xanh thân thuộc… đang bị đô thị hóa cưỡng bức làm mai một, mất dần đi bản sắc văn hóa làng, kiến trúc làng truyền thống.

Tại sao khi đến cửa khẩu biên giới các nước láng giềng, nhìn Quốc môn của họ ta dễ dàng nhận ra đó là kiến trúc Trung Quốc, kiến trúc Lào hay kiến trúc Campuchia, còn Quốc môn của ta dù cũng rất hoành tráng cao to nhưng kiến trúc lại nhạt nhòa bản sắc Việt. Điều đó cho thấy sự lúng túng, thậm chí cả bế tắc trong việc phản ánh tính dân tộc, tính bản địa trong sáng tạo của KTS, trước làn sóng ào ạt, mạnh mẽ của các trào lưu kiến trúc thế giới du nhập vào nước ta trong điều kiện toàn cầu hóa.

Kiến trúc hôm nay đang đứng trước sự phát triển của công nghiệp 4.0, của internet kết nối vạn vật, của trí tuệ nhân tạo và sự bất ổn ngày càng tăng bởi biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 gây ra trên phạm vi toàn cầu.

Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã xóa nhòa biên giới mềm của mỗi quốc gia, làm cho tính bản địa của kiến trúc được nhận diện rõ ràng hơn, khách quan hơn, được tôn vinh (và cả phê phán) trước ánh sáng soi chiếu và giao thoa của văn hóa - văn minh nhân loại. Chính vì thế mà vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa trong kiến trúc được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta còn chưa quan tâm thiết kế nhà ở phù hợp với điều kiện sống, lối sống cho nông dân, cho người nghèo đô thị, cho đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng sạt lở, nước biển dâng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long…

Chúng ta cũng đang lúng túng trước sự phát triển của nhiều khu đô thị mới thiếu kết nối hạ tầng giao thông, thiếu nhiều thành tố của đô thị như không gian công cộng, không gian xanh, nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế… nhưng lại dày đặc các tòa nhà cao vài chục tầng bằng bê tông và kính lạnh lẽo, mọc lên dọc theo các đường vành đai và cả trong nội đô Hà Nội lịch sử. Trách nhiệm sáng tạo không gian sống an toàn, bền vững và thân thiện cho con người của KTS đang bị xói mòn bởi sự can thiệp và chi phối của quá nhiều lợi ích nhóm (?!).