Tinh giản biên chế: Cần cơ chế đặc thù với thành phố lớn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều địa phương trong đó có Hà Nội kiến nghị không tiếp tục tinh giản biên chế công chức, viên chức với các TP lớn.

Kiến nghị này được dư luận đồng tình, từ giới chuyên gia tới đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước cũng như những công chức, viên chức đang trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Sức ép lớn về khối lượng, yêu cầu công việc

Những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu cụ thể đặc thù, để tăng biên chế theo đúng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: Hải Linh
Những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu cụ thể đặc thù, để tăng biên chế theo đúng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: Hải Linh

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, giai đoạn 2017 - 2021, số lượng biên chế công chức và người làm việc (biên chế viên chức) xác định theo đề án VTVL phải gắn với yêu cầu tinh giản biên chế của T.Ư, khiến nhiều cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu thực tiễn triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện chưa phù hợp thực tiễn các đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội, bởi khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng cao... Dù TP đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, song việc liên tục giảm biên chế hành chính gây khó khăn rất lớn trong việc thực hiện đúng VTVL đã được xây dựng.

Hiện dân số Thủ đô hơn 8,5 triệu người, trong đó trên 7.900 cán bộ, công chức. Như vậy, bình quân mỗi công chức phải giải quyết công việc cho hơn 1.000 người dân, trong khi trung bình cả nước là 1 công chức giải quyết công việc cho 686 người dân. Mặt khác, TP có khoảng 370.000 DN đang hoạt động, tương đương phải tiếp nhận, giải quyết và ký duyệt tới gần 4 triệu hồ sơ hành chính/năm. “Công chức, viên chức chịu sức ép lớn về khối lượng và yêu cầu công việc được giao, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Do đó, việc tinh giản biên chế như hiện nay gây áp lực lớn cho đội ngũ này cũng như bộ máy chính quyền TP” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Từ đó, lãnh đạo TP kiến nghị các cơ quan T.Ư ban hành hướng dẫn cụ thể định mức biên chế công chức đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực; xác định biên chế đáp ứng đúng, đủ với yêu cầu của VTVL. Đặc biệt, đề nghị xem xét không tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế công chức, biên chế viên chức hưởng lương ngân sách thuộc TP cũng như có chính sách cụ thể, hợp lý giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, luân chuyển, điều động khi thực hiện đề án VTVL.

Cần phù hợp thực tế những địa bàn đông dân

Tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, thuộc phường Vĩnh Tuy là địa bàn lớn, đông dân nhất quận Hai Bà Trưng, cũng là một trong những phường đông dân nhất Hà Nội, năm học 2023 - 2024 này có số học sinh lớp 1 tăng 20% so với năm ngoái, với sĩ số trên dưới 45 học sinh/lớp. Chiếu theo chương trình phổ thông hiện nay, nhà trường đang thiếu khá nhiều giáo viên, nhất là thiếu tới 4 giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục. Ban giám hiệu đang phải ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên ở 1 trường THCS và 1 trường THPT, tốn thêm chi phí chi thường xuyên.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy Nguyễn Phương Hoa chia sẻ, có thể tinh giản biên chế ở những lĩnh vực khác chứ không thể tinh giản viên chức khối giáo dục, đặc biệt ở các quận trung tâm đông dân càng khó khăn. Nhìn chung ở Trường Tiểu học Vĩnh Tuy và nhiều trường khác tại quận Hai Bà Trưng, số học sinh đều tăng qua các năm; ngành giáo dục, nhất là khối tiểu học và khối mầm non đang rất thiếu giáo viên.

"Hơn nữa, với giáo viên đã giảng dạy lâu năm mà bị tinh giản thì rất lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, khó tìm được người thay thế, khi sinh viên mới ra trường chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu công tác giảng dạy. Với ngành mầm non thì càng căng thẳng nguồn nhân lực, khi nhiều cô giáo thấy quá vất vả đã bỏ nghề” - bà Nguyễn Phương Hoa bày tỏ.

Chẳng những mong mỏi không tiếp tục tinh giản biên chế, đối với khối cơ quan chính quyền, nhiều cán bộ còn nêu nguyện vọng cấp cơ sở được quan tâm bố trí thêm người làm, nhất là các phường ở trung tâm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Theo Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Đắc Long, với hơn 4,3 vạn dân nhưng rộng chưa tới 3km2, tốc độ đô thị hóa của phường rất nhanh, áp lực lớn về quản lý đất đai, xây dựng. “Chúng tôi mong có sự quan tâm phân loại, với những phường có tính chất phức tạp và khối lượng công việc lớn thì bổ sung cán bộ, công chức, nhất là công chức chuyên môn như Địa chính - Xây dựng hay công chức Tư pháp - Hộ tịch ở một cửa, giúp giải quyết công việc nhanh hơn, quản lý Nhà nước hiệu quả hơn, từ đó phục vụ Nhân dân tốt hơn” - ông Nguyễn Đắc Long nhấn mạnh.

Không chỉ khu vực nội đô, tại những địa bàn nông thôn, tình hình biên chế công chức, viên chức cũng không kém phần “căng thẳng”. Đáng chú ý, tại những huyện sắp trở thành quận như Gia Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lưu Thị Ngọc Yến cho rằng: kiến nghị của lãnh đạo TP Hà Nội đối với T.Ư như vậy rất sát thực tế đang diễn ra, đáp ứng mong mỏi của những địa phương đang đô thị hóa nhanh. Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, lượng người nhập cư hằng năm rất lớn. Vì vậy, không chỉ khối công chức mà trong khối viên chức, sự bất cập về tinh giản biên chế càng lớn.

Bà Lưu Thị Ngọc Yến dẫn chứng, lượng người nhập cư ở lại huyện rất lớn, nhất là ở các Khu đô thị Đặng Xá, OceanPark… hầu hết trẻ tuổi, trong khi OceanPark chưa xây được các trường cấp 1, cấp 2 nên hệ thống trường công lập của huyện phải "gánh" hết nhu cầu học hành của con em từ khu vực đó. Qua mỗi năm, tại huyện tăng khoảng 50 lớp học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, mà vẫn được giao biên chế giáo viên như cũ, thì không thể đáp ứng nhu cầu. Do đó, việc phải thực hiện giảm 5% biên chế từ nay đến năm 2025 theo lộ trình là hoàn toàn không phù hợp.

Liên quan vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần luôn thực hiện đúng nguyên tắc "không tinh giản biên chế cơ học", tức là không giảm theo phần trăm, mà cần tinh giản người không làm được việc và giữ bằng được người làm được việc ở lại. Có chỗ cần người làm thì phải cho tăng biên chế, còn chỗ không cần nhiều người thì có thể giảm nhiều, thậm chí tới 20 - 30%, tức là không đánh đồng giữa các vị trí, địa phương. Nhưng để tính được điều đó, phụ thuộc lớn vào chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề xuất, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTB&XH cần tích cực phối hợp các địa phương để có giải pháp sát tình hình thực tiễn. Như ở Hà Nội có đặc thù đông hơn 10 triệu dân nhưng phân bố mật độ dân cư không như các nơi khác. Do đó, cần có nghiên cứu về VTVL để xây dựng nguyên tắc chung của cả nước nhưng phải có điểm nhấn phù hợp từng địa phương thì quy định tinh giản biên chế mới khả thi. Đặc biệt, Hà Nội có hạ tầng giáo dục rất khó khăn, với nguồn lực tài chính và nhân lực có đặc thù do dân số tăng cơ học nhanh, nên cần có nghiên cứu riêng.

 

Những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu cụ thể về đặc thù, không thể nơi nào cũng giống nơi nào, cần cho tăng biên chế theo đúng nhu cầu thực tiễn đang đòi hỏi. Song, khi đã cho thêm biên chế thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra lãng phí về biên chế, sử dụng không hiệu quả.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Hiện cấp huyện là cấp trung gian phải tiếp nhận gần như mọi công việc ở TP phân cấp về, có những việc theo Luật không thể phân cấp cho xã mà trực tiếp huyện phải giải quyết. Nhất là do dân số ngày càng tăng, cấp huyện phải giải quyết nhiều về chế độ chính sách, thủ tục hành chính... nên cần rất nhiều người làm việc. Do đó, nếu cắt giảm biên chế ở cấp huyện thì cần nghiên cứu rất kỹ, khi một số bộ phận đang quá tải công việc.
Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm Lưu Thị Ngọc Yến