70 năm giải phóng Thủ đô

Tinh giản biên chế chưa chú trọng chất lượng

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn.

 Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Sáng 30/10, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trong đó, về việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội trình cho thấy: Về cơ bản, nhiều nội dung về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Chương trình hành động về hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được Chính phủ ban hành. Việc ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai.....

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn. Chưa ban hành tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Một số nội dung trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội như: việc ban hành văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành; việc rà soát, chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành lĩnh vực nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm; việc rà soát, sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án...

Liên quan đến lĩnh vực công thương, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cũng đồng tình với nhận định, Chính phủ đã thực hiện công tác xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp một cách thống nhất, đồng bộ, đúng yêu cầu; nhiều dự án đã từng bước giảm lỗ, dần đi vào ổn định và bước đầu có lãi. Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đang được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 nói chung và chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói riêng được ưu tiên đầu tư phát triển…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, vướng mắc tại một số dự án xử lý còn chậm như xử lý tranh chấp, công tác quyết toán hoàn thành tại một số hợp đồng EPC. Một số dự án, doanh nghiệp khó khăn trong việc vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và triển khai bán đấu giá. Tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có diễn biến phức tạp. Một số tiêu chí trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cùng kết quả Chính phủ đã đạt được, qua thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội cũng chỉ ra, một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường chưa được sửa đổi kịp thời. Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn ít. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm. Một số lĩnh vực chuyên sâu trong hệ thống về lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa có quy định điều chỉnh. Văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đồng bộ....