Tinh giản biên chế mới giảm những người “tinh”

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Bộ Nội vụ, dù đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng tinh giản biên chế (TGBC) chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; việc TGBC mới chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc và chỉ giảm người “tinh” (đủ năng lực tham gia khu vực tư)...

Theo số liệu thẩm tra TGBC đến ngày 15/10/2018 và số liệu kiểm tra TGBC đến 30/6/2022 vừa được Bộ Nội vụ thông tin, đến nay các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tinh giản 79.024 người, trong đó khối bộ, ngành 5.510 người và các địa phương 73.5134 người.

Đáng chú ý, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ TGBC cao nhất, chiếm 66,115%; cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã chiếm 19,020% và thấp nhất là người làm việc tại khu vực DN - 0,216%; người làm việc tại các hội chiếm 0,23%.

Cùng đó, nếu tính theo lý do TGBC thì tinh giản do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, chiếm 52,712%; do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chiếm 15,684%; dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính là 15,447%; thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo- 3,746%. Tính theo chính sách được hưởng, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất- 81,813%; chính sách thôi việc ngay chiếm 18%; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ NSNN chiếm 0,115%; thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề, 0,072%.

Công chức UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Công chức UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính sách TGBC được ban hành tại các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, 113/2018/NĐ-CP, 143/2020/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chế độ chính sách đối với đối tượng TGBC nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCCVC, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. Trong đó, Nghị định 113/2018/NĐ-CP và 143/2020/NĐ-CP đã tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giải quyết chế độ chính sách đối với đối tượng TGBC, đồng thời đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong thực hiện TGBC.

Tuy nhiên, nhìn lại kết quả TGBC giai đoạn 2015-2021 cho thấy, dù đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Việc TGBC vừa qua mới chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc và chỉ giảm những người “tinh” (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. Thậm chí có những trường hợp CBCCVC tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng TGBC nên đã lựa chọn cách làm việc đạt hiệu quả không cao để “được” đánh giá xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” để thực hiện TGBC. Thực trạng đó vừa ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ vừa gây lãng phí NSNN. Ngoài ra, ông tác rà soát, đánh giá CBCCVC hằng năm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan, còn nể nang, nên thực hiện chính sách TGBC với những trường hợp có năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm (VTVL) hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả.

Về nguyên nhân tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, công tác đánh giá CBCCVC đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả và sản phẩm cụ thể; không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang hoặc định kiến. Chính vì đánh giá xếp loại CBCCVC chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách TGBCC ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đội ngũ. Thậm chí nhiều trường hợp xin “được” không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách TGBC. Trong khi, việc xác định VTVL là cơ sở để tuyển dụng, bố trí, sử dụng CBCCVC chưa có quy định, hướng dẫn đồng bộ, dẫn đến khó thực hiện; chính sách với CBCCVC chưa khuyến khích họ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc.

Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội kiểm tra đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ ,công chức UBND xã Mai Lâm (huyện Đông Anh)
Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội kiểm tra đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ ,công chức UBND xã Mai Lâm (huyện Đông Anh)

Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua có một số quy định của Đảng và UBTV Quốc hội được ban hành có liên quan chính sách TGBC. Trong đó, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã đã đánh giá công tác bố trí sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với CBCCVC dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, còn nhiều người dôi dư cần tiếp tục được giải quyết. 

Do vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-3030, nhiệm vụ đặt ra là nghiên cứu, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật khác liên quan việc sắp xếp ĐVHC để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí công tác cán bộ; có chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp theo hướng khuyến khích CBCCVC dôi dư nghỉ việc ngay. Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 cũng đã đánh giá việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2019 chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách với CBCC dôi dư; đề nghị giai đoạn 2023-2030 quy định rõ việc sử dụng, lộ trình sắp xếp số lượng biên chế CBCC và số lượng cấp phó của các ĐVHC dôi dư sau sắp xếp.

Từ đó, Bộ Nội vụ cho rằng, việc ban hành Nghị định thay thế các Nghị định 108/2014/NĐ-CP, 113/2018/NĐ-CP, 143/2020/NĐ-CP để thể chế hóa những chủ trương của Đảng và UBTV Quốc hội là cần thiết, đảm bảo thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản QPPL. Trong đó, Bộ đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định quy định về TGBC thay thế các nghị định trên, có đề xuất bổ sung trường hợp TGBC là CBCCVC trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện TGBC và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.