Tình hình Armenia và Azerbaijan: Thế chân

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau chuyến công du bất ngờ của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Armenia, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã gặp gỡ trực tiếp Bộ trưởng Ngoại giao của Armenia và Azerbaijan để hòa giải.

Đoàn xe quân sự Azerbaijan di chuyển vào khu vực Aghdam thuộc Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)  
Đoàn xe quân sự Azerbaijan di chuyển vào khu vực Aghdam thuộc Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)  

Bà Pelosi là chức sắc cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Armenia kể từ khi Armenia trở thành quốc gia độc lập năm 1991. Những động thái ngoại giao mới này của phía Mỹ được để ý đến, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Armenia và Azerbaijan đạt được thỏa thuận ngừng chiến sau hai ngày giao tranh quân sự quyết liệt ở khu vực biên giới bên ngoài vùng lãnh thổ Nagorno Karabakh mà hai bên tranh chấp chủ quyền lâu nay.

Armenia kêu gọi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể mà Armenia là thành viên cùng với Nga, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgystan can thiệp hậu thuẫn mới chỉ nhận được sự trợ giúp danh nghĩa nhiều hơn thực chất của liên minh này.

Armenia không thể không hài lòng ở mức độ nhất định về tổ chức này và về Nga, cho dù biết Nga đang rất bận rộn và tốn kém với cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ công khai lên tiếng ủng hộ Azerbaijan và đã diễu võ dương oai bằng việc tập trung số lượng binh lính còn lớn hơn cả số binh lính của Armenia ở vùng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ giáp với Armenia.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tìm cách hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ - nhân vật quyền lực đứng thứ 3 ở Mỹ sau Tổng thống và Phó Tổng thống - khi đến Armenia lại công khai thể hiện Mỹ đứng hẳn về phía Armenia, cáo buộc và lên án Azerbaijan chủ động gây chuyện.

Bà Pelosi khẳng định Mỹ ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Qua đó, thiên hạ có thể thấy Mỹ chủ ý tận dụng tình thế khó khăn và khó xử hiện tại ở châu Âu, bị cầm chân về quân sự ở Ukraine, bị Mỹ, EU và đồng minh trừng phạt, không thể tập trung như trước cho vùng Nam Caucasus để tìm cách thế chân Nga, ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ về chính trị an ninh và quân sự, gây dựng vai trò và ảnh hưởng riêng trên nhiều phương diện ở khu vực này. Cục diện chính trị và chính trị an ninh ở khu vực này vì thế sẽ thêm phức tạp, thêm nhạy cảm và còn tiếp tục biến động mạnh mẽ.