Tình hình Iraq vẫn khó giải quyết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm ngàn dân thường Iraq phải rời bỏ nhà cửa do cuộc khủng hoảng bạo lực bùng phát. Ảnh: AFP

Chỉ 2 ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao nhất đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iraq, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 15/8 đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết đưa các thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq (IS) vào danh sách trừng phạt và đóng băng các tài sản liên quan đến nhóm này.

 
Hàng trăm ngàn dân thường Iraq phải rời bỏ nhà cửa do cuộc khủng hoảng bạo lực bùng phát. Ảnh: AFP
Kinhtedothi - Hàng trăm ngàn dân thường Iraq phải rời bỏ nhà cửa do cuộc khủng hoảng bạo lực bùng phát. Ảnh: AFP
Theo nghị quyết, tổng cộng có 6 cá nhân trong các thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo bị phong tỏa tài sản, trong đó có một trợ lý thân cận của thủ lĩnh của Al Baghdadi. Đồng thời cảnh báo, tất cả những cá nhân hay tổ chức nào tuyển mộ nhân sự, cung cấp tài chính hay vũ khí cho lực lượng phiến quân đang hoành hành tại quốc gia vùng Vịnh sẽ bị trừng phạt trên toàn cầu. Đây được coi là phản ứng cứng rắn nhất cho đến nay của Hội đồng Bảo an LHQ đối với IS - vốn đang kiểm soát một vùng rộng lớn lãnh thổ Iraq và Syria, đồng thời bị buộc tội tiến hành các vụ thảm sát trong quá trình chiếm đóng. Nghị quyết trên cũng nhắm vào cánh vũ trang của Al Qeada tại Syria là Mặt trận Nusra. Cùng ngày, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc họp bất thường đầu tiên mà nội dung nghị sự không tập trung vào tình hình tại Ukraine từ đầu năm đến nay đã nhất trí ủng hộ trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq trong cuộc chiến chống lại IS. Theo đó, việc cung cấp vũ khí sẽ được triển khai dựa trên khả năng và luật pháp của từng quốc gia thành viên EU, cũng như yêu cầu của chính phủ Iraq.

Trong khi đó, sau gần một tuần gây "bão" trên chính trường, Thủ tướng sắp mãn nhiệm - Nuri al-Maliki mới đưa ra quyết định ngừng tái tranh cử nhiệm kỳ 3. Đây được coi là quyết định bước ngoặt nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình thành lập chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông đang ngập trong chia rẽ phe phái này. Ngay lập tức, Mỹ, các quốc gia thành viên EU và LHQ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của ông Maliki trong việc ủng hộ người được chỉ định thay thế mình là Phó Chủ tịch Quốc hội Haidar al-Abadi đứng ra thành lập chính phủ mới theo hiến định. Đặc phái viên hàng đầu của LHQ tại Iraq - Nickolay Mladenov đã ca ngợi quyết định trên của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Iraq cho thấy, tài lãnh đạo và trách nhiệm của ông Maliki đối với tiến trình dân chủ cũng như hiến pháp Iraq. Ông Mladenov gọi quyết định này là "cột mốc lịch sử" để tạo điều kiện cho quá trình chuyển tiếp quyền lực diễn ra hòa bình.

Hiện chưa rõ quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến chính trường Iraq trong bối cảnh quốc gia này đang phải chật vật đối phó với các tay súng IS hiện đã chiếm giữ nhiều TP trọng yếu và đang tiến đến TP Arbil, thủ phủ Khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc. Không chỉ tăng cường các cuộc tấn công, IS còn đe dọa sát hại hàng ngàn người tị nạn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi đang bị vây hãm trên núi Sinjar. Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, tình hình tại núi Sinjar đã được cải thiện đáng kể và các vòng vây của IS quanh ngọn núi cũng đã bị phá vỡ, song các chiến dịch không kích của Washington vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành ở Iraq nhằm bảo vệ các công dân và lợi ích của Mỹ ở Iraq. Theo kế hoạch, các nhà hoạch định quân sự của Mỹ sẽ rời khỏi vùng núi này trong vài ngày tới và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho các lực lượng an ninh Iraq cũng như lực lượng người Kurd ở miền Bắc để chống lại các cuộc tấn công của IS.

Những diễn biến này cho thấy, tình hình tại Iraq chắc chắn sẽ có nhiều biến động vì còn phụ thuộc vào toan tính, cách hành động của các bên liên quan. Và trong lúc chờ các nước mặc cả với nhau, dân thường Iraq vẫn là những nạn nhân đầu tiên, cuối cùng và duy nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần