Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh hoa nghề thổi thủy tinh

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng kỹ thuật dùng hơi điêu luyện và tình yêu với nghề, người thợ thổi thủy tinh xã Thống Nhất, huyện Thường Tín đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, hữu dụng với đời sống.

Nghệ thuật dùng hơi
Nghề thổi thủy tinh tại xã Thống Nhất phát triển mạnh nhất vào khoảng những năm 1960. Khi đó gần như cả làng, cả xã nhà nào cũng làm nghề này. Sản phẩm tạo ra với kiểu dáng, chủng loại khá phong phú và đa dạng, từ bóng đèn, chai lọ, ly, cốc… đến những sản phẩm đòi hỏi sự chế tác tinh xảo như con giống, đồ trang trí. Ngoài tính ứng dụng, sản phẩm của làng nghề này còn có lợi thế cạnh tranh về giá, bởi tận dụng được phế liệu, chi phí đầu tư sản xuất thấp.

Anh Hồ Văn Hiển, thôn Hoàng Xá, Thống Nhất có gần 30 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh.

Để tạo ra được một sản phẩm thủy tinh cần biết bao mồ hôi, công sức của người thợ, bắt đầu bằng việc dùng nhiệt độ cao của đèn khò để nung chảy thủy tinh, sau đó kết hợp các động tác thổi, kéo, kẹp, vặn… để tạo hình theo ý muốn. Anh Lê Xuân Tiến, người có trên 20 năm trong nghề thổi thủy tinh cho biết: Bằng mắt thường, người thợ phải ước lượng được độ chín của thủy tinh để bắt đầu thổi. Lúc này thao tác phải nhanh và liên tục, không được ngơi nghỉ một tích tắc nào, bởi thủy tinh ra khỏi lửa rất nhanh nguội, nếu dừng lại sẽ bị méo mó ngay tức thì.

Theo anh Tiến, trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề còn phải có thủ thuật giữ hơi thở, để thổi vừa vặn với hình mong muốn.

Giữ nghề bằng tình yêu

Là một người đã gắn bó với nghề thổi thủy tinh gần 30 năm nay, anh Hồ Văn Hiển, thôn Hoàng Xá hàng ngày vẫn miệt mài với công việc của mình. Theo anh Hiển, nếu mới nhìn qua công việc này đều nghĩ là đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Người thợ thổi thủy tinh, ngoài sự khéo léo còn cần phải có tính kiên nhẫn và tập trung cao độ. Bởi đây là một công việc khá nguy hiểm, khi người thợ thường xuyên tiếp xúc với lửa, chỉ cần một sơ suất nhỏ là tai nạn có thể xảy ra. Vì vậy, chỉ có những người thực sự yêu nghề mới dám hy sinh để gắn bó lâu dài với nghề này.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, công cụ hỗ trợ làm nghề thổi thủy tinh cũng được cải tiến giúp cho hiệu quả công việc được nâng cao và người thợ cũng bớt nhọc nhằn hơn. Nếu như trước kia, để tạo ra được ngọn lửa, những người thợ phải quay bằng bễ lò rèn, dùng dầu để đốt thì nay, hầu hết các cơ sở đã chuyển sang dùng khí oxy và gas làm chất đốt. Việc thay đổi này đã giúp cho môi trường làm việc sạch sẽ và không hại sức khỏe.

Ngoài ra, sự xuất hiện của những chiếc máy công nghiệp đã góp phần đáng kể nâng cao năng suất lao động. Trung bình mỗi chiếc máy cho năng suất cao gấp 50 lần thợ làm thủ công. Điều này đã làm giảm đáng kể số lao động làm nghề. Tuy nhiên, máy móc chỉ làm được những sản phẩm đơn giản, còn sản phẩm tinh xảo thì không thể thiếu được bàn tay của con người. Chính vì vậy, mặc dù vất vả, nguy hiểm, những người thợ thổi thủy tinh truyền thống ở xã Thống Nhất vẫn đang cố gắng giữ nghề như một nét văn hóa truyền thống. Với họ, làm nghề vì tình yêu và niềm tự hào về truyền thống quê hương.