Tính khả thi

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thiết hay không cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng, hay chỉ cần “gia cố” thêm các quy định trong Luật An ninh quốc gia và Luật An toàn thông tin là vấn đề đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Nhưng trên hết, việc cần thiết phải có những quy định chặt chẽ để kiểm soát tình hình trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng quan trọng và thực tế nhiều vụ việc tấn công mạng, gây mất an ninh quốc gia đã xảy ra là vấn đề được nhiều ý kiến thống nhất.
 Ảnh minh họa
Dự án Luật An ninh mạng được đưa ra thảo luận tại Nghị trường Quốc hội cùng thời điểm nước ta đánh dấu 20 năm có internet. Nhìn từ thực tế, hiện Việt Nam đang sở hữu nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại, phủ rộng khắp lãnh thổ. Mạng 3G, 4G đã có mặt từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả miền núi, hải đảo. Thế giới mạng đi vào từng nhà, gắn với nhiều lĩnh vực cuộc sống. Mạng internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp năng suất lao động cao. Như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhận xét: “Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”.

“Chúng ta vào “cuộc chơi chung”, nhưng cũng bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ”, quan điểm ấy cũng đã được nhấn mạnh. Bởi để bảo đảm an ninh mạng là việc không dễ dàng khi nhiều hệ thống thông tin đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Thống kê cho thấy, mỗi năm có hàng nghìn cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền, các hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, website của các tổ chức, DN... Cùng với đó là mã độc, vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều khiến cho không ít lo ngại đã được cảnh báo.

Có ý kiến kỳ vọng, Luật ra đời sẽ huy động toàn xã hội tham gia, để mọi người hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng. Nhưng quản lý cũng phải không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế, không đặt thêm những thủ tục hành chính không cần thiết. Bởi thế, không ít quy định trong Dự Luật đưa ra vẫn còn gây băn khoăn về tính khả thi, nhiều câu hỏi cần sự giải thích kỹ càng, đánh giá rõ ràng về tác động được và mất.

Đặc biệt, cần rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành để gom lại, cho người dân dễ hiểu và chấp hành, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, quyền bồi dưỡng trí tuệ, giải trí, kinh doanh… Có lẽ là một yêu cầu rất đáng suy ngẫm khi đứng trước Dự Luật mới với những vấn đề khó này. Bởi như các đại biểu đã phân tích: “Bây giờ trẻ con 12 - 13 tuổi cũng dùng mạng thành thạo rồi, quy định quá phức tạp, lẻ tẻ chỗ này quyền, chỗ kia trách nhiệm, người dân không nắm được, không thực hiện được”. Khi đó những quy định sẽ khó khả thi.