Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình người trong tâm dịch Bắc Giang

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết nối rộng rãi để làm từ thiện hiệu quả là cách mà nhiều người đang thể hiện tình đoàn kết với tâm dịch Bắc Giang.

Trong bối cảnh gần như cả tỉnh Bắc Giang bị cách ly y tế, sự chung tay thiện nguyện của nhiều người trên khắp mọi miền Tổ quốc đã giảm bớt sức nóng tâm dịch khi giúp hàng nghìn người dân tỉnh Bắc Giang vượt qua khó khăn.
Quý ở chỗ, những người làm thiện nguyện đều có một điểm chung là giúp đỡ người khác theo một cách rất riêng chứ không phô trương, ồn ào.

 Anh Nguyễn Minh Phương bên chiếc xe của mình trong chiến dịch từ thiện tại Bắc Giang. Ảnh: Newland Group
Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát ở Bắc Giang một tháng trước, anh Nguyễn Minh Phương, một người con Bắc Giang, chưa bao giờ để điện thoại rung hoặc ở chế độ không bị làm phiền. Cũng từ đó, anh luôn dậy sớm chứ không dậy muộn như trước do thói quen làm việc khuya thường thấy ở các doanh nhân.

Bắt đầu một ngày bằng cách kiểm tra email, cuộc gọi và tin nhắn được gửi từ các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, anh Phương lập kế hoạch tổng thể hàng ngày cho nhóm từ thiện được thành lập với sự chung tay của Công ty Newland Group, Hội Chữ thập đỏ (RCS) tỉnh Bắc Giang, chùa Vẽ và gần 100 tình nguyện viên.

"Hoàn cảnh của hàng ngàn người đang bị cách ly và giãn cách xã hội đã thôi thúc chúng tôi cố gắng chia sẻ để giảm bớt những khó khăn cho họ." - Phương nói với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị. “Rất ít người trong chúng ta không thể không động lòng trước sự khó khăn của người dân và công nhân nơi bị phong tỏa.”

"Tôi muốn làm hết sức mình để góp một phần thành quả đã gặt hái được dành tặng lại quê hương", anh Phương xúc động nói.

Để hoạt động thiện nguyện được suôn sẻ, anh Minh Phương đóng vai trò điều phối của nhóm, kết nối các nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện trên toàn quốc, giám sát tất cả công việc, cụ thể là sắp xếp mạng lưới vận chuyển và giao hàng để đảm bảo cứu trợ đúng người, đúng lúc.

 Đại đức Thích Thanh Tuấn cùng đại diện Hội Chữ thập đỏ Bắc Giang trao quà tại tâm dịch. 
Hàng cứu trợ rất đa dạng, chủ yếu là quần áo, thiết bị bảo hộ, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, nhiệt kế, và các mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, mỳ gạo, gạo, dầu ăn, trứng, rau, nước uống, trái cây....

Nguồn quyên góp từ Newland Group, Hội Chữ thập đỏ (RCS) tỉnh Bắc Giang và nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Đến nay, nhóm đã vận động quyên góp được số tiền mặt trị giá hơn 500 triệu đồng (22.000 đô la Mỹ) và hiện vật có giá trị gấp ba lần số tiền mặt từ hơn 30 cá nhân và các tổ chức, chưa kể đến việc vận chuyển hàng hóa miễn phí đến những nơi bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số lượng cá nhân, tổ chức tiếp nhận hàng hóa và tiền mặt đã vượt quá 50.
Đáng chú ý, số liệu thu chi của nhóm được công khai và cập nhật hàng ngày với thông tin chi tiết về nguồn tài trợ và người nhận. Phương thức hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch đã dành được sự tin tưởng nơi nhà tài trợ, tạo điều kiện để họ tiếp tục công việc và hỗ trợ cuộc chiến chống dịch khốc liệt tại Bắc Giang.
Minh Phương cho biết minh bạch là kim chỉ nam cho hoạt động của tổ chức và “từng đồng chi ra phải hợp lý” để “hoạt động thiện nguyện của nhóm không chỉ trong phạm vi Bắc Giang mà vươn xa khắp Việt Nam trong cuộc chiến chống lại Covid-19”. Trong tháng qua, nhiều nhà tài trợ trên toàn quốc đã liên hệ với nhóm của anh, đóng góp ngày càng nhiều vào quỹ và kho hàng cứu trợ.
Sư thầy Thích Thanh Tuấn làm việc với các tình nguyện viên. 
Để hỗ trợ việc phân phối hàng hóa, Đại đức Thích Thanh Tuấn, trụ trì chùa Vẽ ở thành phố Bắc Giang đã nhiệt tình chào đón nhóm thiện nguyện. Sân chùa sớm biến thành kho hàng quyên góp. Các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm và thiết bị bảo hộ cá nhân từ đó được mang đến mọi ngóc ngách của tỉnh. Đại đức Thích Thanh Tuấn tận tâm cho công tác thiện nguyện hiện tại với tâm niệm từ thiện là từ bi trong hành động, hành động bằng tình yêu thương và sự đồng cảm với những người đang trong hoàn cảnh khó khăn. “Là một người xuất gia, tôi đề cao đức tính quảng đại như Đức Phật đã dạy tất cả đệ tử, dù là tăng ni hay tu tại gia, để thực hành bố thí và tích đức." - Thầy Thích Thanh Tuấn nói.
Với mục tiêu làm cho tổ chức từ thiện "lan tỏa rộng và nhanh hơn Covid-19", nhóm đã liên kết chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ (RCS) tỉnh Bắc Giang, cơ quan có nhiệm vụ giúp đỡ những người khó khăn trong thời điểm này để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của họ trong đại dịch.

 Các thành viên nhóm thiện nguyện chia quà trước khi đi phát. 
Sự hợp tác không thể hiệu quả nếu không có vai trò của Chủ tịch hội là chị Lê Thị Duyên, người nhấn mạnh sự cần thiết phải cứu trợ kịp thời cho người dân trong vùng bị cách ly y tế bởi chị đã trải nghiệm trực tiếp đợt giãn cách xã hội vào năm ngoái khi dịch diễn ra trên diện rộng. Nhưng sự bùng phát dịch ở Bắc Giang lần này đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống bình yên của người dân và tình hình ở các khu vực bị ảnh hưởng hiện nay cần lắm sự kết nối tình người. "Chúng tôi rất biết ơn sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân từ mọi miền Tổ quốc và hy vọng sẽ được hỗ trợ hơn nữa vì số người cần trợ giúp vẫn nhiều và cuộc chiến chống dịch ở Bắc Giang có thể còn kéo dài”, chị Duyên cho biết. Làm việc trong Hội Chữ thập đỏ đã nhiều năm, chị Duyên hiểu rằng đồ cứu trợ cần thiết đôi khi chỉ đơn giản như đồ vệ sinh cá nhân của phụ nữ.
Lần này cũng vậy, nhóm đã cung cấp mặt hàng thiết yếu này cho nhiều công nhân nữ ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên và một số chị em bị cách ly trong Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, Bệnh viện Nội tiết Bắc Giang. Bà Hồng Hà - Giám đốc Kinh doanh của Newland Group, là người đã tự tay mua những mặt hàng thiết yếu như một cách chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực bị cách ly.
 Giao nhận hàng cứu trợ của Hội Chữ Thập đỏ Bắc Giang đến phụ nữ và trẻ em gái trong khu cách ly tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên. 
Đặc biệt, hoạt động của nhóm không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của hàng chục chủ xe tải tại Bắc Giang và các tỉnh. Phụ trách bởi anh Phạm Thanh Minh, đội xe gần 30 chiếc gồm cả xe tải và bán tải không có ngày nào nghỉ kể từ khi dịch bùng phát tại Bắc Giang vào đầu tháng 5. Đội xe thiện nguyện Bắc Giang đã lăn bánh trên mọi nẻo đường trong tỉnh để vận chuyển hàng hóa quyên góp từ các trạm kiểm soát Covid-19 [bắt đầu địa giới tỉnh] đến kho trung chuyển và giao cho người nhận. Họ cũng giúp tiêu thụ nông sản địa phương ra ngoài tỉnh, góp phần vào lưu thông hàng hóa ở tâm dịch Bắc Giang. Cảm động hơn, đội xe trực tiếp giúp thu hoạch nông sản ở những khu vực bị cách ly y tế và cố gắng tìm khách hàng cho bà con địa phương.
 Anh em đội xe nhiệt tình dưới cái nắng gay gắt.

Anh Phạm Thanh Minh cho biết anh không thể ung dung ở nhà coi như không có chuyện gì xảy ra bên ngoài hoặc vờ như dịch không nghiêm trọng và ít ảnh hưởng. “Thực tế là đại dịch đã tấn công hàng nghìn người trên quê hương và chúng tôi muốn chung tay với chính quyền địa phương trong cuộc chiến chung này”, anh Minh quả quyết. Cho đến nay, đội xe đã đặt chân đến hầu hết huyện trong tỉnh, kể cả những vùng sâu vùng xa và vẫn đang cần mẫn tiếp tục cuộc hành trình “chung tay vì cộng đồng”.