Theo ông Mai Văn Trinh, tuy đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi nhiều đợt năm trước nhưng mỗi địa phương cần có một kịch bản riêng, tùy vào tình hình dịch cụ thể.
Phương án dự kiến của Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) xây dựng là sẽ cố gắng tổ chức kỳ thi đúng lịch. Ban chỉ đạo thi các địa phương cần phối hợp với các ban, ngành để phân loại đối tượng HS trong diện F0, F1, F2.
Trong đó thí sinh diện F0 không thể dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp như quy định. Thí sinh F1, F2 sẽ được tổ chức thi ở phòng thi, điểm thi riêng, trong điều kiện đảm bảo các giải pháp cách ly theo khuyến cáo của y tế.
Riêng thí sinh F1 đang phải cách ly tập trung sẽ phải tính toán phương án di chuyển từ khu cách ly đến điểm thi. Thí sinh và tất cả cán bộ tham gia tổ chức thi tại điểm thi này phải mặc đồ phòng hộ.
“Trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020”- ông Trinh cho biết.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thi vẫn được tiến hành đúng tiến độ. Công tác in sao đề thi năm nay có nhiều thách thức do khó khăn bởi dịch bệnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề xuất nếu tới khoảng ngày 20/6 đến 25/6, dịch bệnh được kiểm soát, các điểm phong tỏa được dỡ bỏ ở tỉnh thì Bắc Ninh sẽ tổ chức thi như quy định chung của Bộ. Theo đó, tỉnh vẫn bố trí phòng thi cách ly cho học sinh diện F2. Riêng đối tượng F1 tùy theo số lượng có thể tổ chức mỗi huyện, thị 1 điểm thi riêng hoặc tổ chức 1 điểm thi chung cho toàn tỉnh. Nhưng nếu tới thời điểm trên, dịch bệnh chưa kiểm soát được thì Bắc Ninh sẽ đề nghị Bộ cho tổ chức thi đợt 2.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cảm ơn, ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, linh hoạt, sự ứng phó kịp thời và nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động GD&ĐT, hoàn thành kế hoạch năm học trong điều kiện dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản tiếp nối những kết quả, phương thức đã được triển khai ở năm 2020 và thống nhất tinh thần không lơ là, chủ quan; nhưng cũng không lo lắng, cực đoan để bảo đảm mục tiêu “kép”: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan.
Sau hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương; trong đó có nội dung liên quan đến ứng phó với dịch bệnh diễn ra trong kỳ thi cũng như một số chính sách phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7/2021.