Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh tế kiến trúc đình làng Việt cổ

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những ngôi đình lớn và cổ nhất Hà Nội, đình Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) chứa đựng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian đặc sắc, biểu hiện cho đỉnh cao về kiến trúc của đình làng cổ Việt Nam thời Lê Trung hưng.

Đình Bạch Trữ gồm 3 tòa: Tiền tế, đại đình, hậu cung và 2 ống muống. Về mặt bố cục có thể khẳng định rằng, vỗn dĩ khởi đầu (khoảng cuối thế kỷ XVII) đình chỉ có dạng chữ nhất với tòa đại đình ở giữa, về sau người ta mới dựng tiếp tòa tiền tế và tiếp sau là hậu cung. Cả 3 tòa được nối với nhau bởi 2 ống muống để tạo nên hình thức mái theo kiểu chữ “Vương”, nền chữ “Tam”. Trước đình có hồ nước, kế đến là bình phong kiểu cuốn thư có hình cành trúc mai sum họp. Phía sau là một sập thờ làm kiểu chân quỳ dạ cá đắp nổi hình dơi tượng cho ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và tiếp nữa là một nghi môn tứ trụ. Qua một khoảng sân hẹp vào tòa tiền tế, nhiều người có thể cảm thấy choáng ngợp bởi kiến trúc 5 gian 2 dĩ với bộ mái 2 tầng hoành tráng. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được những nét nghệ thuật của thế kỷ XVII. Tòa đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, nghệ thuật thế kỷ XVII tập trung ở đề tài chạm khắc cơ bản là rồng và con người. Các hình chạm đã thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc. Tòa hậu là một hậu cung kép với hậu cung chính chỉ nằm gọn trong không gian 4 cột cái gian giữa, được bao ván kín, có sàn thờ, được nâng cao và nằm lọt trong tòa hậu cung 5 gian. 
Đình Bạch Trữ thờ nhị vị tiên linh là công chúa Mỵ Nương thời vua Hùng và Cống Sơn thời Hai Bà Trưng, thuộc hai thời kỳ dựng nước và giữ nước gắn với lịch sử dân tộc và văn hóa tâm linh của người Việt. Nội dung thờ tự phong phú, kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc khẳng định đây là một trong những ngôi đình có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống di tích của TP Hà Nội. Đình cũng là nơi tổ chức lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác của dân cư trong vùng. Đến thăm đình và đi sâu tìm hiểu nghệ thuật, các giá trị văn hóa vật thể ở đình Bạch Trữ, chúng ta sẽ có được những tri thức quý báu về lịch sử văn hóa của người xưa, tại vùng đất này.