Tinh thần 30/4 năm 1975 còn sáng mãi trong xây dựng đất nước hiện nay

GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện lịch sử ngày 30/4 năm 1975 chứa đựng sức sống mãnh liệt của cả dân tộc Việt Nam với hào khí thống nhất non sông, cùng nhau dựng xây đất nước. Gạt lớp bụi thời gian 48 năm qua, chúng ta thấy được những giá trị gì cho hiện nay?

Giá trị sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết thời nào cũng cần, nhưng đoàn kết cần hiện nay là đoàn kết bền vững trên một véctơ lực hướng đích dựng xây đất nước hùng cường, xã hội chủ nghĩa. Nếu không có sự đoàn kết của những người Việt Nam yêu nước đủ các thành phần, không thể có toàn thắng, không thể có lòng dân quy về một mối.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Getty Images.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Getty Images.

Thống nhất bền vững nhất là thống nhất lòng người. Sự kiện 30/4 năm 1975 quy tụ lòng người để đổi mới và phát triển. Hiện, yêu cầu đặt ra là đồng thuận xã hội, do vậy, cần lắm sự hòa hợp dân tộc. Không phải chỉ ở lòng mong muốn mà phải bắt tay vào hành động, hành động từ nhiều phía.

Xóa bỏ hận thù, nhìn về tương lai, chung sức chung lòng vì đại cục. Yêu nước thể hiện chính ở điều đó, chứ đâu xa, không được phép đứng ngoài hoặc tuy đứng trong mà chỉ có hô hào suông, thậm tệ hơn nữa là trở thành vật cản, vướng víu lối đi! Chúng ta phải đang chia động từ đoàn kết thống nhất ở cả ba thì: Quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tinh thần đổi mới sáng tạo, tiến công cách mạng

Xuyên suốt lịch sử Việt Nam là tinh thần tiến công. Không có quyết tâm chống Mỹ, cứu nước với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” với cuộc chiến tranh toàn dân, huy động tối đa sức mạnh cả toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì không thể có chiến thắng 30/4 năm 1975.

Giá trị đó là giá trị bất diệt của sự hồi sinh và phát triển, là đứng trước sự lựa chọn: Hoặc bứt lên, tiến kịp nhịp bước phát triển bền vững của các nước phát triển trên thế giới; hoặc là không, mãi mãi không bao giờ, vẫn chịu cảnh đứng tốp sau, theo sau đà đi lên của nhân loại.

Trong sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược cũng như sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã biến nguy thành cơ. Ngày nay, tinh thần quật khởi đó càng cần, rất cần, bởi Việt Nam nằm trong dòng xoáy của toàn cầu hóa mà ở đó đang có sự cạnh tranh khốc liệt cho sinh tồn và phát triển, nhất là sự cạnh tranh trong cái khó của nước nhỏ, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, của điểm xuất phát thấp.

Ngày toàn thắng và ngày thống nhất, ngày hòa hợp dân tộc 30/4 năm 1975 đang kích hoạt mạnh mẽ trong mỗi người Việt Nam yêu nước tiến công vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, T.Ư Đảng trong quyết định giành toàn thắng trong hai năm 1975, 1976, và khi tình hình thay đổi có lợi cho ta thì quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, thậm chí trước mùa mưa. Hoặc tinh thần trong bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 7/4/1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam” phải được truyền vào huyết quản của người Việt Nam hiện nay.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Vừa qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên bị xử lý. “Lò đốt củi tươi củi khô” đã và đang cháy rần rần. Chống tham nhũng, tiêu cực cũng là chống giặc – giặc nội xâm, không kém phần nguy hiểm như giặc ngoại xâm của thời kỳ kháng chiến giải phóng đất nước. Tinh thần tiến công cách mạng là phải xử nghiêm, đúng luật.

Đừng bao giờ ngại rằng, việc xử lý tham nhũng, tiêu cực sẽ bị lợi dụng chống đối chế độ, trái lại là càng làm tăng thêm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Đừng bao giờ lo rằng, xử lý cán bộ như vậy làm thiếu cán bộ làm việc. Đừng bao giờ nhụt ý chí chiến đấu, từ đó sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, sợ sệt, nằm im.

Với cái tâm trong sáng, với bầu nhiệt huyết như trong chiến đấu giải phóng và bảo vệ đất nước năm xưa, thì không có chỗ đứng cho những người hèn kém. Đất nước cần lắm những người tiên phong cho cách mạng, những người lấy lợi ích quốc gia làm trọng, “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích cá nhân của mình vào dưới, vào trong lợi ích của cách mạng. Đó là những “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc”, là “ăn cỗ chớ đi trước, lội nước chớ đi sau”, là tinh thần khi cách mạng cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Buổi trưa, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4 năm 1975, những sĩ quan, chiến sĩ cách mạng có mặt tại Dinh Độc Lập trên mình còn vương bụi đất đã tạc vào thế kỷ thần tượng con người Việt Nam tiến công, biết hy sinh cho Tổ quốc.

Ngày nay, những cán bộ, đảng viên cũng phải biết hy sinh, hy sinh của cải vật chất, tiền bạc, hy sinh lợi ích của cá nhân mình, gia đình mình để bảo vệ và dựng xây đất nước, bảo vệ những giá trị của 30/4 năm 1975.

Tinh thần quốc tế trong sáng

Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam là chính nghĩa, do đó được sự đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc, của nhiều chính phủ, nhân dân tiến bộ trên thế giới. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn kế tiếp của tinh thần quốc tế đó.

Lợi ích chân chính và sự lớn mạnh hợp quy luật của bạn cũng là lợi thế phát triển của Việt Nam; ngược lại sự phát triển bền vững của Việt Nam là sự đóng góp cho văn minh, tiến bộ của nhân loại. Thế giới là phẳng trong xu thế toàn cầu hóa với cuộc sống số. Thế giới là một xã hội liên kết chặt chẽ với nhau. Hiện đang có một thế giới như vậy thật; nhưng thế giới vẫn còn nhiều gồ ghề, xù xì, lồi lõm như chính bề mặt của trái đất.

Thế giới có luật chơi chung, vốn đã được soạn không lấy gì làm công bằng lắm, nhưng lại bị không ít người hiểu và làm theo ý riêng của họ. Vẫn còn đó cảnh kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, cảnh kẻ giàu áp chế kẻ nghèo. Vẫn còn đó cái cảnh kẻ yếu, kẻ nghèo lại kèm theo cái hèn, tự ty, cam chịu khuất phục trước các thế lực khác, tự chịu đi sau trong một thế giới đầy năng động, phát triển.

Trước đây trong chiến tranh, thế giới cũng đầy phức tạp, phức tạp ngay trong cả nội khối các nước Xã hội chủ nghĩa, nhưng với sự tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, của Nhân dân, chúng ta đã hóa giải được sự phức tạp đó, biến nguy thành cơ, biến cái không thể thành cái có thể.

Ngày nay, cũng đang rất cần như thế. Việt Nam cần thực hiện tốt hơn nữa quan hệ quốc tế trong sáng: Làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm trong hợp tác cùng phát triển trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, các bên cùng có lợi.

Sự kiện lịch sử 30/4 năm 1975 đã lùi khá xa, nhưng tinh thần của nó bất diệt, vẫn là ngọn đèn pha ở phía trước, đang soi rọi từng bước tiến của Việt Nam.