Chuyện trò với người thân của họ mới thấy được, tình cảm của bạn đời, của mẹ cha là những lối về thiêng liêng và đáng quý, giúp người nghiện rượu tìm được những niềm an ủi để từ bỏ rượu, trở lại với cuộc sống đời thường…
Vợ nuốt nước mắt chăm chồng
Lầm lũi đi ngoài hành lang bệnh viện, khuôn mặt buồn với ánh mắt luôn hướng về xa xăm là hình ảnh của chị Nguyễn Thị Tiến, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn Hiển, trú tại tỉnh Lạng Sơn- bệnh nhân bị loạn thần do rượu đang điều trị tại khoa Tâm thần. Phút đầu chia sẻ với chúng tôi, chị Tiến dè dặt: “Chồng em vào đây điều trị đến nay tròn 1 tháng rồi. Bệnh tình của anh ấy đã ổn hơn rất nhiều, em đang chờ mong ngày anh được xuất viện để còn về nhà chăm lo cho đứa con đang học lớp 4…”.
Những người nghiện rượu luôn cần sự quan tâm, chăm sóc của gia đình
|
Được sự khơi gợi, động viên của PGS.TS.Đại tá Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý học, chị Tiến dần cởi mở hơn và bắt đầu chia sẻ: “Chồng em năm nay 43 tuổi và anh ấy đã có tầm 15 năm uống rượu. Nhà em ở giáp biên giới, việc buôn bán tuy bận rộn và chồng em dù không có thời gian cho vợ, con, gia đình nhưng luôn có thời gian dành cho rượu. Cách uống của anh ấy cũng lạ lắm. Anh không uống liên tục cả năm mà có khi 1-2 năm mới uống 1 đợt nhưng mỗi đợt uống thì triền miên cả tháng hoặc 2 tháng. Cách uống rượu của anh ấy thì khiến bất cứ ai cũng thấy hoảng hốt. Cả ngày 24 tiếng thì có khi 21-22 tiếng anh cầm chai rượu bên người và nốc. Anh ngủ rất ít, chỉ 1-2 tiếng rồi lại dậy đi lang thang và uống. Không ai đo đếm được anh uống bao nhiêu rượu, có thể 1-2 lít/ngày và cũng có thể hơn. Mỗi lần uống say, anh lại về nhà mắng chửi vợ con, cà khịa với bất cứ ai anh nhìn thấy và đập phá đồ đạc. Tủ kính, cửa sổ, xe máy và toàn bộ đồ đạc trong gia đình anh đều đập hết…”.
Kể về lý do vì sao chồng đã có đến 15 năm uống rượu nhưng lần này phải nhập viện điều trị, chị Tiến nói: “Mọi lần anh ấy uống xong rồi tỉnh nhưng lần này biểu hiện của anh ấy nặng quá. Anh không tự chủ được đại tiểu tiện, bị kích động, chửi bới, đập phá… Quá lo sợ, gia đình buộc phải đưa anh vào bệnh viện điều trị. Các bác sỹ xác định, anh đã bị loạn thần…”.
Hỏi chị Tiến, chồng chị uống rượu và biến đổi về nhân cách như vậy, chị đã bao giờ có ý định rời xa chồng chưa? Chị Tiến quả quyết: “Chưa bao giờ em có ý định bỏ chồng. Chúng em đến với nhau từ tình yêu, cũng trải qua đủ cay, đắng, ngọt, bùi, lại có một đứa con chung. Anh hay uống rượu nhưng lúc tỉnh, anh vẫn chịu khó làm ăn, vẫn chiều vợ, thương con lắm. Chỉ là lúc say, anh không còn biết gì nữa. Anh thường về nhà lôi em đi theo anh những lúc say. Dù không muốn em cũng cắn răng, chịu đựng đi theo anh. Những lúc đó em giận chồng lắm chứ. Vậy mà khi anh tỉnh, em không nỡ lòng nào nguyền trách anh, vì anh nào biết gì nữa. Mong rằng, sau lần này trở về nhà, anh sẽ từ bỏ rượu để chuyên tâm làm ăn, xây dựng gia đình ấm áp…”.
Cha già chăm con nghiện rượu
Tiếp xúc với chúng tôi còn có ông Nguyễn Văn Năng, ông Nguyễn Hữu Vinh, đều đã ngoài 70 tuổi, cùng lên đây chăm con trai nghiện rượu và mắc bệnh liên quan đến rượu đang nằm điều trị tại khoa Tâm thần. Ông Năng kể: “Con cả của tôi năm nay 38 tuổi, đã có vợ con rồi. Nó làm xây dựng, thường xuyên tiếp khách, uống rượu. Nó uống triền miên không kiểm soát được về lượng. Uống ở nhà đã đành, ngày nào đi làm nó cũng tụ tập bạn bè để uống. Cứ mở mắt ra là nó uống rượu cho đến lúc ngủ mới thôi. Nó uống nhiều đến nỗi không ngủ được do không đủ lượng rượu. Mỗi lần khó ngủ, nó cầm chai rượu lên ừng ực vài ngụm là đi ngủ được ngay. Thấy con nghiện nặng, chúng tôi bảo không được nên đã thông qua nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội, công việc để khuyên nó đến bệnh viện cai rượu. Rất may, con tôi vẫn tỉnh táo để nhận thức được vấn đề. Nó bảo, muốn cai rượu nhưng quá khó, chỉ còn cách nhờ bác sỹ!”.
So với ông Vinh, ông Năng vẫn còn là người cha may mắn, vì con của ông Vinh khi nhập viện đã ở trạng thái loạn thần do rượu. Gia đình ông Vinh ở Phú Thọ, có đông con. Các con ông đều trưởng thành cả và ông lúc nào cũng tự hào về cậu con trai út, vừa thành đạt, có kinh tế lại có vị trí xã hội. Con ông đi công tác triền miên, mỗi lần về thăm bố mẹ lại giọng đặc mùi rượu. Ông Vinh chỉ biết con út bắt đầu uống rượu từ năm mới học cấp 3 nhưng vì thể chất yếu nên không uống được nhiều. Cho đến khi, thường xuyên nghe giọng con lè nhè, ăn nói không biết đúng sai, phải trái với người khác khi có hơi men, ông mới hay, cậu con mình vốn rất tự hào đã quá nghiện rượu. Sau tìm hiểu, ông được biết con trai ông uống rượu không thành bữa, bất cứ thời gian nào trong ngày cũng có thể tu rượu, mỗi lần chỉ một vài ngụm rồi thôi.
Cuối tháng 10/2015, vì bị xơ gan mất bù (xơ gan giai đoạn cuối), anh Hiệp- con trai ông Vinh phải đến bệnh viện điều trị. Ông Vinh ở quê nghe vậy nhưng tuổi cao, chỉ biết ở nhà sốt ruột. Con ông nhập viện tối thứ 6 thì cả ngày thứ 7 và chủ nhật anh ta đã trốn viện ra ngoài uống rượu rồi gọi điện về nhà bằng giọng lè nhè. Trước tình trạng đó, thông qua tư vấn của bác sỹ, gia đình buộc phải chuyển anh đến khoa Tâm thần- Bệnh viện Quân y 103 để tiến hành cai rượu. Đi theo chăm sóc con trai là ông Vinh với bộ mặt ủ rũ và mái tóc bạc phơ…. Nhìn vào ông, ai cũng lắc đầu, thương cảm….
Người nghiện rượu luôn cần sự quan tâm
Cũng như những người mắc các bệnh khác, người nghiện rượu và loạn thần do rượu luôn cần tình thương yêu và sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân. Đa phần người nghiện rượu khi tỉnh táo đều có mong muốn từ bỏ rượu nhưng một mình họ rất khó bỏ được mà gia đình nên đưa họ đến các cơ sở chuyên khoa.
Điều trị nghiện rượu là cả một quá trình dày công, đòi hỏi sự hợp tác tốt từ người bệnh và gia đình. Điều trị nghiện rượu gồm 3 giai đoạn: Điều trị giải độc rượu (điều trị trạng thái cai) và điều trị rối loạn tâm thần do rượu kéo dài khoảng 3 tuần. Tiếp đến là phục hồi cơ thể (giai đoạn này lâu hay chóng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể). Nguyên tắc điều trị nghiện rượu cơ bản là nâng cao thể trạng, giải độc, làm dịu cơn thèm rượu, điều trị tình trạng loạn thần bằng các thuốc hướng tâm thần, phục hồi chức năng, hướng bệnh nhân đến lối sống lành mạnh.
Trong các giai đoạn điều trị cho người nghiện rượu, khó nhất là giai đoạn cuối cùng, tức duy trì, chống tái nghiện và phục hồi cơ thể. Người nghiện rượu rất dễ tái nghiện vì sự đòi hỏi, thèm muốn của cá nhân, hơn nữa rượu có sẵn ở mọi nơi và việc uống rượu đã trở nên quá phổ biến với người Việt.
Để không tái nghiện, trước hết bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm đoạn tuyệt với rượu, sau đó là tuân thủ nghiêm chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Có như vậy việc chống tái nghiện rượu mới có hiệu quả lâu dài.
Trong hành trình rời xa rượu, những người đã từng bị tổn thương do rượu luôn cần được an ủi, động viên, chăm sóc, quan tâm và tình yêu thương của gia đình; đó là động lực để họ phấn đấu, cố gắng từ bỏ rượu. Như tâm sự của anh Nguyễn Văn Huy, quê tại Vĩnh Phúc- một người từng có quá khứ nghiện rượu, nay đã từ bỏ được cho biết: “Chính vợ, con tôi là liều thuốc chữa lành vết thương cho tôi. Tôi có thời gian uống rượu rất nhiều năm; khi say rượu thì biết gì là đúng sai, phải trái, tôi đánh vợ triền miên. Nhưng vợ tôi không chối bỏ tôi, đã cho tôi điều kiện và thời gian đi điều trị; lại ở bên cạnh để chăm sóc tôi tận tình, chu đáo. Ơn nghĩa đó của vợ, tôi không thể nào quên và luôn tâm niệm sẽ không bao giờ dung nạp rượu vào người, dù bất cứ lý do gì. Và nay tôi đã làm được điều đó!”.
(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)