Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, sợ sai xuất hiện ở nhiều địa phương

Thịnh An - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 31/5, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ  Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại hội trường
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại hội trường

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận. Bộ trưởng khẳng định, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội; thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước; cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 31/5
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 31/5

Về các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thay đổi tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, hơn lúc nào hết cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị. Chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Về việc tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, lấy ý kiến chuyên, gia, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, do vướng về mặt pháp lý, vướng mặt thẩm quyền nên đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền. Nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo.

Đại biểu tham gia phiên thảo luận
Đại biểu tham gia phiên thảo luận

Nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn phòng cháy chữa cháy

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình.

Theo quy định, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy.

Đối với việc sửa đổi, ban hành Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy, năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình. Sau khi ban hành lần đầu, đến nay Quy chuẩn 06 được sửa đổi 2 lần. Các phiên bản quy chuẩn có nội dung sửa đổi không lớn, chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp lựa chọn cho các đối tượng công trình. Các yêu cầu an toàn cháy của Quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm, theo quy mô tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng. Đồng thời, khi so sánh quy định cơ bản Quy chuẩn 06 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác cho thấy, nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của Quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm

Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích công năng sử dụng mục đích sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi nghiên cứu khảo nghiệm thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu. Với tinh thần cầu thị, Bộ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn; xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 nhằm đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ tính mạng tài sản của Nhân dân.