Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình trạng phong bì trong bệnh viện: Liệu đã được triệt tiêu?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội vừa đưa vào quy chế xử lý nghiêm nhân viên y tế nhận phong bì một lần nữa lại khiến dư luận xới lên câu chuyện chiếc phong bì "lót tay" cho bác sĩ.

Thực tế, nhiều năm qua, vấn nạn “phong bì” đã được ngành y tế quyết tâm ngăn chặn bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhưng, liệu căn bệnh nan y này có bị triệt tiêu?
Đổi “phong bì” lấy sự yên tâm 
Lâu nay, đại đa số người dân khi bước chân vào BV đều có suy nghĩ phải có phong bì "lót tay" cho bác sĩ, y tá thì mới được khám, chữa bệnh nhanh hơn, chăm sóc chu đáo hơn. “Thực lòng, tâm lý đi BV mà không có phong bì "lót tay" bác sĩ, tôi không yên tâm chút nào. Bởi lẽ, tất cả những người khác đều làm “phong bì”, nếu tôi không biết cách “thăm hỏi” bác sĩ, biết đâu lại có chuyện không may xảy ra”- chị Nguyễn Thị Hoài Châu (Cầu Giấy) quan niệm.
 Bảng thông báo không nhận phong bì tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Còn ông Nguyễn Sinh Lực (quận Hai Bà Trưng) cho rằng: “Chỉ cần đến một số BV, hỏi bất cứ người nhà có bệnh nhân phải vào viện mổ hay sinh đẻ, đều có thể dễ dàng nhận được câu trả lời chung là phải “phong bì” cho kíp mổ. Không có mức giá chung nào nhưng ít nhiều cũng phải “cảm ơn” để được bác sĩ tận tình”.
Thực tế, để “nói không với phong bì”, một số BV đã đưa ra các giải pháp, sẵn sàng trả thêm lương để nhân viên của mình không nhận phong bì. Đơn cử, tại BV Phụ sản Hà Nội, để xóa bỏ vấn nạn “phong bì”, BV đã bổ sung thêm hai quy định vào nội quy trong đơn vị. Đó là, nhân viên y tế nhận tiền, quà của bệnh nhân sẽ bị đình chỉ công tác và chụp ảnh dán tường trong BV. Với quy định này, BV Phụ sản Hà Nội được xem là BV đầu tiên kiên quyết chấm dứt nạn phong bì trong môi trường y tế.
Chia sẻ về điều này, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - cho hay, đi khám bệnh, điều trị, người Việt Nam rất thích thể hiện lòng biết ơn với thầy thuốc nên muốn cảm ơn bác sĩ, nhất là lúc xong việc, cảm ơn xong mới yên tâm đi về.
“Tôi cho rằng đây cũng là một văn hóa của người Việt nhưng có lẽ trong BV phải dẹp cái này vì người dân thích làm như vậy nhưng họ không hiểu được mặt trái của chuyện phong bì. Hệ lụy của nó rất nhiều. Người không đưa phong bì nhìn vào người đưa phong bì sẽ chạnh lòng rồi luôn mặc cảm rằng mình không được chăm sóc tốt. Đây là điều nguy hiểm”- PGS Nguyễn Duy Ánh nói.
Đặc biệt, lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội khẳng định, BV có đủ nguồn kinh phí để nhân viên sống được bằng nghề. “Lương của nhân viên ở BV cao so với mặt bằng chung. Thực tế, có vài chục người ở BV có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, hộ lý cũng ngót nghét 20 triệu đồng. Chúng tôi tự hào có thể làm nghề chân chính”- PGS Ánh nhấn mạnh.
Giáo dục y đức, siết chặt quản lý
Có thể thấy, “nói không với phong bì” là chủ trương hoàn toàn đúng đắn luôn được Bộ Y tế quán triệt và yêu cầu các BV thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những chuyện "con sâu bỏ rầu nồi canh" khiến dư luận bức xúc.
Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận, dẹp nạn “phong bì” trong ngành y là một cuộc chiến lâu dài vì đã trở thành một căn bệnh nan y trong bối cảnh nhiều BV quá tải, lương nhân viên y tế chưa cao, chế độ đãi ngộ còn thấp… Xét ở góc độ nghề nghiệp, bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nhận tiền từ người bệnh đã vi phạm quy chế của ngành, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong khi đó, ở góc độ pháp lý, đưa và nhận phong bì trong hoạt động khám, chữa bệnh là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, để biết và xử phạt vấn đề này rất khó.
Giám đốc BV Lão khoa T.Ư - TS Nguyễn Trung Anh cho rằng, từ nhiều năm nay, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận theo khía cạnh là cán bộ ngành y tế có cuộc sống nói chung rất khó khăn. Vì vậy, việc để xảy ra tình trạng “phong bì” là hoàn toàn có thể.
Để loại bỏ tình trạng này, theo Giám đốc BV Lão khoa T.Ư, mỗi BV phải từng bước cải thiện, tự chuyển mình để tăng thêm nguồn thu, bù đắp vào các nguồn thu nhập cho nhân viên để họ có thể yên tâm trong công việc.
Trong khi đó, Phó Giám đốc BV Bạch Mai - TS Nguyễn Ngọc Hiền cho rằng, có thể hạn chế tối đa tình trạng “phong bì bệnh viện” bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ngoài nâng cao thu nhập, đời sống cho y, bác sĩ thì phải giáo dục y đức, siết chặt quản lý, tăng cường giám sát.
Thực tế, những BV nào quán triệt nghiêm túc tới toàn thể cán bộ, nhân viên, quản lý tốt, giám sát chặt và khi phát hiện trường hợp nào sai phạm kiên quyết xử lý thật nghiêm thì chắc chắn tình trạng đưa, nhận phong bì giữa bệnh nhân với y, bác sĩ trong BV đó sẽ được hạn chế tối đa.

"Người dân không nên lén lút đưa phong bì cho thầy thuốc. Mặt trái của phong bì thực sự ảnh hưởng tới môi trường làm việc của ngành y tế. Quan điểm của BV là bệnh nhân đưa phong bì, chúng tôi không phục vụ. Tôi mong người dân hiểu điều này." - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh